Tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần phổ biến ở nước ta chiếm gần 15% dân số, trên thế giới thì tỉ lệ này là 25 %. Có nhiều loại rối loạn tâm thần với các biểu hiện khác nhau, bao gồm trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, tâm thần phân liệt và các rối loạn tâm thần khác, mất trí nhớ, thiểu năng trí tuệ và rối loạn phát triển bao gồm tự kỷ.
Rối loạn tâm thần gây ra gánh nặng về bệnh tật vì các triệu chứng không thể đoán trước được làm cho bệnh nhân khó chịu, quá trình phục hồi khó khăn, kéo dài và dễ tái phát, đôi khi bệnh nhân không chấp nhận sự giúp đỡ và điều trị. Bên cạnh đó còn dẫn đến tình trạng nghèo đói cho cá nhân và gia đình, tạo nên gánh nặng cho toàn xã hội.
Ở hầu hết quốc gia đang phát triển, người nhà là người chăm sóc chính cho những bệnh nhân tâm thần, vì hơn 90% bệnh nhân mắc bệnh tâm thần mạn tính sống với gia đình. Người nhà đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của những người mắc bệnh tâm thần như theo dõi trạng thái tinh thần, phát hiện các triệu chứng khởi phát, tái phát và tình trạng bệnh nặng lên, giúp người bệnh tiếp cận với các dịch vụ y tế, xã hội. Người nhà cũng trực tiếp cho bệnh nhân uống thuốc và hỗ trợ tinh thần bệnh nhân. Người nhà lúc nào cũng phải cân bằng giữa nhu cầu của bản thân với việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần.
Ảnh minh họa
Chúng ta có khái niệm gánh nặng người chăm sóc: là sự căng thẳng về mặt cảm xúc hoặc thể chất mà người chăm sóc cảm thấy. Và theo 1 số nghiên cứu thì gánh nặng người chăm sóc được quan sát thấy trên toàn cầu với tỉ lệ 80%. Người chăm sóc bệnh nhân rối loạn tâm thần phải chịu gánh nặng đau khổ cá nhân cao hơn 1,5 lần so với người khác, đặc biệt người chăm sóc bệnh nhân rối loạn tâm thần nghiêm trọng có khả năng mắc trầm cảm và tỉ lệ có ý định tự sát cao hơn lần lượt là 2,42 và 2 lần so với những người chăm sóc bệnh nhân rối loan tâm thần thông thường. Vì thế theo tác giả Leyla (2010) người chăm sóc bệnh nhân rối loạn tâm thần được xem là bệnh nhân “ẩn”, có khả năng xuất hiện các rối loạn tâm thần.
Ảnh minh họa
Từ đó cho thấy bên cạnh điều trị và chăm sóc bệnh nhân rối loạn tâm thần thì người chăm sóc bệnh nhân rối loạn tâm thần nói chung và người chăm sóc bệnh nhân rối loạn tâm thần nặng nói riêng nên được nhận sự quan tâm, giúp đỡ từ các nhân viên y tế về lĩnh vực sức khỏe tâm thần trong quá trình chăm sóc. Các tổ chức y tế và xã hội nên chia sẽ trách nhiệm chăm sóc bệnh nhân với người nhà thông qua nhiều hình thức như: nhóm hỗ trợ người chăm sóc; giáo dục cho người chăm sóc các kiến thức về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là cách ứng phó với căng thẳng từ việc chăm sóc; cần theo dõi toàn diện và lâu dài để đánh giá bệnh nhân và gia đình họ để hỗ trợ kịp thời, phổ biến thông tin về các chế độ hỗ trợ tại địa phương. Ngoài ra cần tích hợp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần vào chăm sóc sức khỏe nói chung và cũng nên được cung cấp ở những nơi không phải cơ sở y tế như trường học, nơi làm việc, …