Rối loạn tâm thần trong bệnh động kinh

Thứ năm - 12/12/2024 10:01
Động kinh là một bệnh mạn tính phổ biến, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc  trưng là sự lặp đi lặp lại của các cơn co giật do sự phóng điện quá mức của các tế bào thần kinh não bộ. Theo Tạp chí Y học Việt Nam năm 2022, tỷ lệ mắc bệnh động kinh ở Việt Nam khoảng 0,5% - 1%, trong đó động kinh ở trẻ em chiếm 60%. Theo các tài liệu y khoa có 30 - 50 % bệnh nhân động kinh có những bất thường về tâm thần trong quá trình bệnh và # 10 % bệnh nhân rối loạn tâm thần nhập viện có biểu hiện động kinh. Các rối loạn tâm thần thường gặp ở bệnh nhân động kinh là rối loạn nhân cách (hay gặp nhất), rối loạn loạn thần, tính gây hấn, rối loạn khí sắc, giảm trí năng,… đặc biệt là ở những bệnh nhân động kinh có nguồn gốc  thuỳ thái dương. Về mặt thực hành lâm sàng các rối loạn tâm thần được chia thành 2 nhóm: rối loạn tâm thần trong cơn động kinh và ngoài cơn động kinh.
dong kinh
Ảnh minh họa: Bệnh động kinh là bệnh lý mạn tính phổ biến
 
1.Các rối loạn tâm thần trong cơn động kinh
a. Biểu hiện trước cơn: các cơn thoáng qua (Aura ) bao gồm rối loạn thần kinh thực vật: nóng bừng ở mặt, khó chịu ở dạ dày, hồi hộp khó thở…, hiện tượng déjà vu, jamais vu…, rối loạn cảm xúc, các hoạt động tự động như nhai nuốt, có cơn bỏ chạy,…các biểu hiện loạn thần như ảo giác, ảo tưởng thị giác và ảo thanh. Các biểu hiện trên thường gặp trong động kinh cục bộ phức tạp hoặc động kinh có nguồn gốc thùy thái dương và thùy chẩm.
b. Biểu hiện trong cơn: là các rối loạn về ý thức và nhận thức do hôn mê sau cơn động kinh toàn thể co cứng - co giật điển hình, thường kéo dài từ vài phút đến nhiều giờ. Ít gặp hơn là những cơn rối loạn hoạt động tâm thần tạm thời xảy ra ở những cơn động kinh cục bộ nhất là động kinh thùy thái dương. Ngoài ra còn là các biểu hiện đột ngột ý thức u ám, rối loạn định hướng, rối loạn trí nhớ và hoạt động nhận thức gặp trong tình trạng động kinh liên tục dưới lâm sàng hay là những triệu chứng như ảo giác, hoang tưởng, kích động, trầm cảm nặng, mất vận ngôn ,… hay gặp trong trạng thái động kinh liên tục không co giật .
2. Các biểu hiện ngoài cơn động kinh
a. Rối loạn nhân cách: hay gặp nhất ở bệnh nhân động kinh nhất là động kinh có  nguồn gốc ở thùy thái dương. Biểu hiện có những biến đổi trong hành vi tình dục: giảm tính dục, loạn dâm chuyển dạng, loạn dâm đồ vật. Tính dính nhầy biểu hiện qua tư duy lai nhai, đi vào các chi tiết vụn vặt và khó chuyển từ vấn đề này sang vấn đề khác. Cảm xúc người bệnh thường không ổn định, hay gây gổ và thỉnh thoảng có những cơn giận dữ không phù hợp với bối cảnh. Ngoài ra một số bệnh nhân có sự quan tâm quá mức vào những hoạt động tôn giáo, vấn đề đạo đức và triết học, có tính vị kỷ, đòi hỏi mọi người phải chú ý chăm sóc đến mình.
b. Rối loạn loạn thần: rất giống với tâm thần phân liệt, gặp ở động kinh có nguồn gốc ở thùy thái dương, có thể xuất hiện cấp, bán cấp hay từ từ và thường sau khi đã mắc động kinh từ 15 năm trở lên. Các biểu hiện chủ yếu bằng các hoang tưởng  paranoid và các ảo giác (đặc biệt là ảo thanh), ý thức không bị rối  loạn. Tư duy  người bệnh thường nghèo nàn hoặc tư duy lai nhai.
c. Các rối loạn khí sắc: cơn trầm cảm, cơn hưng cảm và loạn thần hưng trầm cảm. Các rối loạn này xuất hiện từng cơn và hay gặp ở động kinh thùy thái dương của bán cầu não không ưu thế. Các rối loạn này tăng nguy cơ tự sát trên bệnh nhân.
d. Các rối loạn về hoạt động nhận thức: Bệnh động kinh không hẳn gây ra những biến đổi về trí năng. Tuy nhiên tỉ lệ giảm sút về trí tuệ trong những người bệnh động kinh cao hơn người bình thường.
dong kinh1
Ảnh minh họa
3. Chẩn đoán rối loạn tâm thần trong bệnh động kinh
Đối với bệnh nhân đã được chẩn đoán động kinh trước đó thì sẽ có hai trường hợp xảy ra :
  • Sự tiến triển của bệnh động kinh
  • Có thể là một rối loạn tâm thần độc lập kèm theo
Đối với bệnh nhân chưa được chẩn đoán động kinh mà có các rối loạn tâm thần thì 4 đặc điểm lâm sàng sau đây gợi ý đó là triệu chứng của bệnh động kinh:
  • Các rối loạn xuất hiện đột ngột trên nền sức khỏe tâm thần bình thường
  • Xuất hiện đột ngột tình trạng sảng không xác định được bằng những nguyên nhân thường gặp
  • Có tiền sử các cơn giống nhau với tính chất xuất hiện đột ngột và hồi phục tự nhiên
  • Có tiền sử ngất xỉu hoặc té ngã không rõ nguyên nhân
Tuy nhiên cần phải phân biệt các rối loạn tâm thần do động kinh với các rối loạn tâm thần nguyên phát khác: tâm thần phân liệt, rối loạn phân ly, rối loạn khí sắc và rối loạn nhân cách khác.
4. Điều trị như thế nào ?
Kiểm soát  tốt động kinh bằng thuốc chống động kinh với liều phù hợp
Phối hợp các thuốc chống loạn thần khi cần, tránh sử dụng các thuốc làm giảm ngưỡng co giật.
Phối hợp các liệu pháp tâm lý và phục hội chức năng để điều trị đạt hiệu quả tối ưu.

 
 

Tác giả bài viết: BS. Phan Đăng Khoa

Nguồn tin: Tạp chí Y học Việt Nam năm 2022, Giáo trình Tâm thần học – Bộ môn Tâm thần học – Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich lam viec moi
Thăm dò ý kiến

Bệnh viện tâm thần Bến Tre phục vụ bệnh nhân như thế nào?

Thống kê
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay708
  • Tháng hiện tại23,062
  • Tổng lượt truy cập2,143,916
Bệnh viện tâm thần Bến Tre
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây