Để hình thành và phát triển khả năng giao tiếp cho trẻ cần phải tiến hành từng bước theo các qui trình sau:
1. Tạo ra một môi trường giao tiếp thuận lợi.
Môi trường giao tiếp thuận lợi là môi trường mà ở đó trẻ được phát triển tối đa khả năng ngôn ngữ của mình. Điều này đã được các nhà ngôn ngữ học khẳng định.
Những thực nghiệm đáng tin cậy cho thấy rằng nếu một đứa trẻ bình thường chỉ tiếp xúc với gia đình, một trẻ cùng tuổi được đến lớp học, được tiếp xúc với cô giáo và bạn bè, tình trạng phát triển ngôn ngữ giao tiếp là rất khác nhau. Đứa trẻ chỉ tiếp xúc với gia đình vốn từ nghèo nàn hơn, khả năng nói kém hơn, tính tình nhút nhát và không linh hoạt.
Điều đó cho thấy tạo ra được những môi trường thuận lợi cho trẻ học giao tiếp là hết sức cần thiết với mọi đối tượng trẻ em. Vì vậy giáo sư Rubin Stein chỉ ra rằng: Nếu để trẻ chậm phát triển trí tuệ (CPTTT) tiếp xúc với nhau, cách ly với môi trường bên ngoài thì khả năng phát triển ngôn ngữ cũng không phát triển. Nếu chúng được tiếp xúc đúng môi trường, xã hội và bạn bè... thì khả năng giao tiếp ngôn ngữ của chúng sẽ tốt hơn rất nhiều.
Như vậy, việc tạo ra các môi trường ngôn ngữ thích hợp, trẻ được thoải mái, gia tăng hưng phấn, không chỉ ở nội tạng mà còn có những kích thích khách quan, giúp trẻ CPTTT phát huy được tối đa khả năng ngôn ngữ của mình. Vậy môi trường ngôn ngữ như thế nào là hợp lý:
Môi trường giao tiếp giữa trẻ với trẻ: Có thể nói đây là một môi trường phát triển ngôn ngữ tốt nhất, bởi lẽ phương ngôn có câu “Học thầy không tầy học bạn”, sự giao tiếp giữa trẻ với trẻ, trẻ học hỏi được nhiều hơn, nhập tâm nhanh hơn.
Nhưng cũng cần tạo ra các hoạt động phù hợp như: hoạt động với đồ chơi, với trò chơi hoặc sinh hoạt theo chủ đề, kể chuyện và đọc chuyện cho nhau nghe. Cần tạo ra những nhóm bạn để trẻ sinh hoạt học hỏi.
Trong quá trình sinh hoạt nên tạo ra những hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau, thật đa dạng như ca hát, đọc thơ, kể chuyện, sắm vai trong các tiểu phẩm. Cần động viên trẻ và khuyến khích, tránh mọi sự phê phán vì trẻ dễ mặc cảm.
Nguồn ảnh: Vân An
a/ Môi trường giao tiếp giữa trẻ và cô giáo:
Do điều kiện bệnh lý của trẻ sẽ nảy sinh ra nhiều tình huống mà thầy cô giáo phải biết cách xử lý sao cho phù hợp để khuyến khích trẻ cộng tác. Cần chiếm lĩnh được lòng tin của trẻ, xóa đi mọi ranh giới về mặc cảm, trẻ chỉ nhận thấy khi thầy cô yêu thương mình thực sự sẽ xóa đi những rào cản trong quan hệ giao tiếp, sẽ phát hiện được điểm mạnh điểm yếu của trẻ để phát huy và khắc phục. Nếu thầy cô để trẻ mặc cảm, không thích tiếp xúc, không cộng tác, xa lánh sẽ rất khó khăn giáo dục.
Nguồn ảnh: Vân An
b/ Môi trường giao tiếp xã hội:
Sự cần thiết cho trẻ tiếp xúc với môi trường ngôn ngữ cộng đồng như giao lưu, hội hè, mua bán. Lúc đầu trẻ cần được nghe, tạo ra thói quen nhập tâm, những nguồn ngôn ngữ này là rất đa dạng phong phú, rất có ích cho trẻ. Vì thế nên tổ chức các hoạt động ngoại khóa như việc tham gia lễ hội, tham gia vãng cảnh, đi chợ mua sắm, cần để trẻ tự chủ trong giao tiếp, thầy cô chỉ đóng vai trò hỗ trợ giúp trẻ thực hiện được ý muốn của bản thân.
c/ Môi trường giao tiếp ngôn ngữ ở gia đình:
Đây cũng là một môi trường ngôn ngữ hết sức quan trọng vì 2/3 thời gian trẻ sống ở nhà được tiếp xúc với bố mẹ, anh chị và những người ruột thịt khác. Trong môi trường này nếu cha mẹ, anh chị của trẻ được các thầy cô tư vấn về cách dạy trẻ giao tiếp, phát triển ngôn ngữ thì khả năng phát triển giao tiếp và ngôn ngữ sẽ giúp trẻ tiếp cận rất nhanh.
Trước hết phải xây dựng được tình yêu thương ruột thịt để chiếm lĩnh được trẻ, có vậy khi nói hoặc giảng giải thì trẻ mới chịu nghe. Để làm được điều này thì cha mẹ của trẻ cần phải được thầy cô giáo tư vấn kiến thức chăm sóc trẻ trong gia đình. Cần dạy trẻ chào hỏi, tiếp khách cùng bố mẹ, dạy trẻ nói, đọc, viết. Đây chính là hoạt động phát triển ngôn ngữ.
2. Những biện pháp cơ bản để phát triển ngôn ngữ giao tiếp cho trẻ CPTTT.
Khi đã tạo ra được môi trường ngôn ngữ thuận lợi để trẻ ham muốn được giao tiếp bằng cử chỉ, lời nói là điều rất tốt. Vì vậy thầy cô phải nắm vững các phương pháp phát triển ngôn ngữ nói cho trẻ. Chỉ khi trẻ nói được nhiều, chứng tỏ ngôn ngữ của chúng đã phát triển, vốn từ cũng phong phú hơn, ngữ pháp từ đó được hình thành. Cần vận dụng các biện pháp sau:
- Biện pháp kích thích bằng đồ chơi (hoạt động trẻ với trẻ): Trong các giờ chơi với đồ chơi giáo viên chuẩn bị hàng loạt đồ chơi để các em chọn theo ý thích nhưng muốn chơi đồ chơi nào thì trẻ phải nói: Thưa cô, em thích đồ chơi này (gọi tên đồ chơi) hoặc đồ chơi kia (gọi tên). Không được dùng tay chỉ.
Khi chọn xong đồ chơi cho các nhóm trẻ cùng chơi trong hoàn cảnh này trẻ tự giao tiếp với nhau dưới sự hướng dẫn của cô cũng có thể nói tên đồ chơi. Trong đống đồ chơi cô đưa từng thứ và hỏi: “Đây là đồ chơi gì?” để cho mọi trẻ trả lời, trả lời đúng được, khen ngay, trẻ trả lời sai, nhắc lại.
- Biện pháp kích thích bằng trò chơi (hoạt động của trẻ với trẻ): Giáo viên chuẩn bị tốt các trò chơi có chủ định có thể là các trò chơi mang tính hoạt động cũng có thể là trò chơi tĩnh. Giáo viên giải thích cách chơi cho cả nhóm. Sau đó, từng em nói lại quy tắc chơi rồi mới cho trẻ thực hành. Trong sự giao lưu này trẻ sẽ phải giao tiếp với nhau bằng lời – ví dụ trò chơi truyền tin chẳng hạn. Cô truyền tin cho em xếp đầu, các em sẽ tự tiếp nối đến người cuối (cô nhận thông tin ở người cuối cùng). Hoặc trò chơi bắt và tung bóng, muốn tung cho ai phải nói tên bạn ấy.
Tương tự như vậy, cô phải buộc trẻ giao tiếp bằng lời. Đối với các trò chơi tĩnh như nhận mặt chữ, nhận mặt số hoặc nhận biết gọi tên các vật vẽ trong tranh cũng đòi hỏi trẻ phải dùng lời để biểu đạt.
- Biện pháp kích thích bằng nghe kể - kể nghe: Cô kể những cốt chuyện hấp dẫn để toàn nhóm nghe và sau đó cho từng em kể lại. Khuyến khích trẻ kể đúng cốt chuyện và kể có diễn cảm. Hoặc cũng có thể cho trẻ tự kể về mình, cô gợi ý và các bạn trong nhóm cùng bổ sung. Trong sinh hoạt giao lưu này có thể cho các em đọc khá đọc một cốt chuyện hấp dẫn để cả nhóm cùng nghe. Sau đó từng thành viên kể lại cổt chuyện vừa nghe.
- Biện pháp kích thích thảo luận chủ đề (hoạt động trẻ với trẻ): Hãy để trẻ chọn các chủ đề sinh hoạt mà các em ưa thích. Nhóm trưởng có vai trò rất quan trọng trong quá trình điều khiển nhóm dưới sự chỉ dẫn của cô giáo. Trong hoạt động này cần phải khuyến khích các cháu chậm phát triển tham gia tích cực, với các chủ đề khó thì các cháu ngồi nghe các bạn, các chủ đề này rất bổ ích như:
+ Chủ đề nhà trường: Hãy kể chuyện về thầy cô mà em yêu thích? Hoặc muốn học tốt em phải làm gì?
+ Chủ đề về gia đình: Hãy kể về gia đình em? Hoặc muốn trở thành con ngoan thì em phải làm gì?
+ Chủ đề về xã hội: Hãy kể chuyện về một chú bộ đội hay chú thương binh mà em biết. Còn có thể khai thác nhiều chủ đề khác để các em sinh hoạt và giao lưu trong nhóm.
Biện pháp kích thích bằng các họat động văn nghệ (hoạt động trẻ với trẻ): Đây cũng là một hoạt động bổ ích đối với trẻ và chính trong quá trình giao lưu này mà trẻ có thể học được rất nhiều từ như: Tập hát, tập đóng kịch, hoặc vừa hát, vừa múa vui.
+ Tập hát phải dạy cho trẻ từng câu: Khi các câu đã thuộc mới ghép thành bài và cũng phải thường xuyên luyện tập.
+ Tập đóng kịch: Cho các em tự sắm vai cùng với nhóm diễn. Cũng có thể là vai chính hoặc vai phụ, sao cho các vai phụ em ưa thích thì mới tích cực học lời của vai diễn.
Tất cả điều nêu trên đó là các hoạt động trong môi trường giữa trẻ với trẻ. Giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn uốn nắn sai sót mà thôi. Không nên bao biện làm thay.
Biện pháp phát triển ngôn ngữ nói thông qua hội thoại (hoạt động giữa cô và trò): Đây cũng chính là phương pháp cá biệt hóa vì cô phải làm việc với từng em. Có các hình thức sau:
+ Hội thoại dùng tranh ảnh: Cô hỏi học sinh trả lời.
+ Hội thoại bằng hình thức kể nghe – nghe kể: Cô giáo kể chuyện cho các trẻ nghe, trẻ kể lại câu chuyện hoặc kể chuyện theo tranh để phát triển ngôn ngữ.
+ Luyện tập phát âm: Đối với trẻ khả năng phát âm còn kém cô cần phải luyện phát âm cho trẻ - Luyện cả về cường độ theo phương pháp phát âm “Nhại lại” tức là cô đọc trước trò đọc sau.
+ Sửa tật ngôn ngữ: Nếu phát hiện thấy trẻ mắc tật ngôn ngữ cần phải sửa tật theo phương pháp phát âm tiết, phương pháp dùng âm tiết trung gian...
Biện pháp phát triển ngôn ngữ tại gia đình.
+ Dạy cho trẻ cách giao tiếp: Mời chào khi khách đến thăm nhà, giúp ba mẹ chuẩn bị tiếp khách.
+ Kể chuyện cổ tích hoặc chuyện vui (tiết mục kể chuyện đêm khuya).
+ Đọc hoặc kể rồi bắt trẻ kể lại
+ Dạy trẻ phát âm và tập đọc
Muốn làm được điều này cha mẹ học sinh cần phải được tập huấn bồi dưỡng các phương pháp về dạy trẻ, cần phải làm cho họ nâng cao được vai trò trách nhiệm với con em mình, tích cực cộng tác dạy trẻ.