1. Sức khỏe là gi?
Theo Tổ chức y tế thế giới định nghĩa “ Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện cả 3 mặt thân thể, tâm thần và xã hội” chứ không phải cơ thể lành lặn là không bệnh tật, một người nếu có cơ thể cường tráng mà tâm thần bấn loạn, lo lắng, căng thẳng, gia đình lủng củng, các mối quan hệ xã hội vướng mắc, mâu thuẩn … thì cũng không được coi là khỏe mạnh.
2. Sức khỏe tâm thần là gì?
Sức khỏe tâm thần là một trạng thái không chỉ không có rối loạn hay dị tật tâm thần mà còn là một trạng thái tâm thần thoải mái. Muốn có một trạng thái tâm thần thoải mái thì cần phải có chất lượng cuộc sống tốt, có được sự cân bằng và hòa hợp giữa cá nhân, người xung quanh và môi trường xã hội.
3. Thế nào là bệnh tâm thần?
Bệnh tâm thần là một bệnh rất phổ biến, bệnh do hoạt động não bộ bị rối loạn gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, ý tưởng hành vi, tác phong, tình cảm… ngoài những bất thường về cấu trúc não, công nghiệp ngày càng phát triển, sự tập trung dân cư vào thành phố ngày càng tăng, môi trường ngày càng bị ô nhiễm, tiếng ồn ngày càng nhiều, cuộc sống càng trở nên căng thẳng nên bệnh tâm thần ngày càng tăng.
Ảnh sưu tầm
Bệnh tâm thần không gây ra cái chết đột ngột nhưng nó làm giảm sút chất lượng cuộc sống: lao động, học tập, giảm sự hòa nhập xã hội, làm đảo lộn sinh hoạt, tổn hại kinh tế ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Bệnh tâm thần có thể chữa khỏi nếu được can thiệp sớm thích hợp, nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến trạng thái tâm thần sa sút, người bệnh trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
4. Điều trị bệnh tâm thần tại gia đình và cộng đồng.
Bệnh tâm thần phân liệt là một bệnh tâm thần nặng có khuynh hướng tiến triển mạn tính. Phần lớn bệnh nhân được điều trị tại gia đình và cộng đồng chỉ có số ít điều trị tại bệnh viện. Như chúng ta biết bệnh nhân tâm thần thường bị xã hội mặc cảm, miệt thị, xa lánh, ít được tham gia các hoạt động xã hội cũng như hoạt động nghề nghiệp. Do đó, chính cộng đồng cần phải có thái độ đúng đắn đối với người bệnh, cần phải thông cảm, thấu hiểu bệnh tật của bệnh nhân và đặc biệt cần có thái độ cư xử đúng mức tránh gây căng thẳng về tâm lý cho bệnh nhân vì đa số bệnh nhân tâm thần thường có tâm lý không ổn định, họ thường hay cáu gắt và có những hành vi, cử chỉ không phù hợp, thậm chí họ có thể lên cơn đánh người do họ không thể kiềm chế được bản thân. Do vậy cộng đồng cần hết sức thông cảm và tránh xa lánh và có hành động coi thường, gây tâm lý căng thẳng cho người bệnh. Cần bố trí cho họ có nơi sinh hoạt, lao động nghề nghiệp giản đơn, lao động chân tay nhẹ nhàng để họ hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Động viên họ làm tốt công việc hay nhiệm vụ gì được phân công. Tạo cho họ động lực làm việc, tham gia hoạt động văn nghệ vui chơi giải trí.
Còn với gia đình, ngoài việc tạo tâm lý thoải mái cho người bênh, tạo diều kiện sống, không khí gia đình thoải mái thì mỗi người phải thực sự thông cảm thấu hiểu nhau, tránh gây căng thẳng, xích mích to tiếng, tranh luận hay cãi nhau, hiểu lầm nhau… Đó là những yếu tố thuận lợi (stress) để bệnh phát triển, tái phát. Khi thấy một người trong gia đình có biểu hiện bất thường thì gia đình cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế khám bệnh, tư vấn tâm lý của các bác sĩ chuyên khoa để có hướng điều trị, can thiệp tức thì. Tránh tình trạng nghe theo lời thầy bói, cách chữa bệnh dân gian bùa phép chẳng những không khỏi bệnh mà càng làm bênh nặng thêm. Gia đình cần phải quản lý và cho bệnh nhân uống theo chỉ định của thầy thuốc để tránh tái phát bệnh và duy trì cuộc sống bình thường, không được tự ý ngừng thuốc. Thông tin chính xác, đúng sự thật về những biểu hiện bất thường của bệnh nhân và những tiến triển tốt dể có hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Với bênh nhân, cần giải thích cho họ hiểu tình trạng bệnh tât, những điều cần biết về bệnh, dặn dò việc uống thuốc đều đặn và thực hiện lời khuyên của bác sĩ. Tránh mọi stress tâm lý trong cuộc sống hàng ngày, tham gia lao động sinh hoat, phục hồi chức năng, tránh bi quan chán nản về bệnh.