Rối loạn nhân cách chống đối xã hội

Thứ tư - 08/11/2023 09:06
Rối loạn nhân cách là gì ?
   Rối loạn nhân cách là một tập hợp các trạng thái để biệt định các đối tượng có cách sống, cách cư xử và cách phản ứng hoàn toàn khác biệt với “người thường” nhưng lại không đủ các triệu chứng của một bệnh lý tâm thần đặc trưng.
   Định nghĩa theo ICD 10: “Rối loạn nhân cách bao gồm các dạng hành vi bền vững và ăn sâu bộc lộ qua sự đáp ứng cứng nhắc trong các hoàn cảnh cá nhân và xã hội khác nhau”
   Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA) thì để được phân loại là rối loạn nhân cách, cách suy nghĩ, cảm nhận và hành xử của một người đi lệch khỏi những mong đợi của nền văn hóa, gây ra đau khổ hoặc các vấn đề về hoạt động và kéo dài theo thời gian.
   Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial personality disorder - ASPD) là một trong số 10 loại rối loạn nhân cách được xác định và nghiên cứu. Người ta ước tính bệnh ảnh hưởng đến khoảng 0,6% đến 3,6% người trưởng thành và phổ biến ở nam giới gấp ba lần so với phụ nữ hấn và bốc đồng. Phần lớn người phát triển với dạng ASPD đều trở thành tội phạm hoặc tù nhân (chiếm tỉ lệ 75%) 
Nguyên nhân của rối loạn nhân cách chống đối xã hội
   Cả hai yếu tố di truyền và môi trường (ví dụ: bị cha mẹ bạo hành, nuông chiều quá mức, bạo lực học đường,…) đều góp phần vào sự phát triển của rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Một cơ chế có thể là sự hiếu chiến mang tính xung động, liên quan đến chức năng vận chuyển serotonin bất thường. Không quan tâm đến sự đau đớn của người khác trong thời thơ ấu có liên quan với hành vi chống đối xã hội vào giai đoạn sau của thời kì thanh thiếu niên.
   Rối loạn nhân cách chống đối xã hội phổ biến hơn trong số những họ hàng bậc 1 của bệnh nhân so với trong dân số chung. Nguy cơ phát triển rối loạn này tăng lên ở cả trẻ được nhận nuôi và cả trẻ là con đẻ của cha mẹ có rối loạn.
rlnccdxh
Ảnh minh hoạ
Biểu hiện lâm sàng của ASPD
   Bệnh nhân có rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể biểu hiện sự coi thường người khác và pháp luật. Họ có thể ăn cắp, bóc lột, lừa đảo hoặc thao túng con người để có được thứ mà họ muốn (ví dụ như tiền bạc, của cải, quyền lực, tình dục).
   Những bệnh nhân này hay bốc đồng, không có kế hoạch trước và không xem xét tới hậu quả hoặc sự an toàn của bản thân hoặc người khác. Họ có thể vi phạm luật an toàn giao thông dẫn đến tai nạn giao thông. Họ có thể sử dụng quá nhiều rượu hoặc dùng ma túy bất hợp pháp có thể gây ra những hậu quả có hại.
   Bệnh nhân có rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường không có trách nhiệm về mặt xã hội và tài chính. Họ có thể thay đổi công việc mà không có kế hoạch cho một công việc khác. Họ không thể kiếm được việc làm khi có cơ hội. Họ có thể không thanh toán hóa đơn của họ, không trả tiền vay, hoặc không trả tiền cấp dưỡng nuôi con.
   Những bệnh nhân này thường dễ bị khiêu khích dẫn đến kích động, đánh nhau với người khác. Trong mối quan hệ tình dục, họ có thể thiếu trách nhiệm, bóc lột bạn tình và không thể duy trì mối quan hệ một vợ một chồng.
   Bệnh nhân có rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể hợp lý hóa hành động của họ bằng cách đổ lỗi cho những người mà họ làm tổn thương (ví dụ như nạn nhân xứng đáng bị như vậy) hoặc cho cuộc sống (ví dụ như do không công bằng với họ)
   Những bệnh nhân này không đồng cảm với người khác và có thể khinh thường hoặc thờ ơ với những cảm xúc, quyền lợi và đau khổ của người khác.
   Bệnh nhân có rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường đánh giá cao về bản thân và có thể rất ngoan cố, tự tin hoặc kiêu ngạo. Họ có thể quyến rũ, ba hoa, và nhanh nhẹn trong lời nói nhằm nỗ lực đạt được những gì họ muốn.
Tiêu chuẩn chẩn đoán của ASPD
Theo tiêu chuẩn của ICD 10 ( F60.2)
- Tiêu chuẩn chẩn đoán các rối loạn nhân cách đặc hiệu chung:
  + Rối loạn nhân cách có khuynh hướng xuất hiện ở trẻ em lớn hoặc tuổi thanh thiếu niên và tiếp tục thể hiện ở tuổi trưởng thành.
  + Các triệu chứng rối loạn nhân cách luôn bền vững và tồn tại suốt đời.
  + Không có bằng chứng về các bệnh thực tổn não và các rối loạn tâm thần khác.
  + Người bệnh biết được và đau buồn về những nét bất thường của mình nhưng không thể điều chỉnh được.
- Có ít nhất ba trong số các nét đặc trưng sau:
  + Sự lãnh đạm, nhẫn tâm đối với cảm xúc của người khác;
  + Thái độ vô trách nhiệm, thô bạo, và dai dẳng, coi thường các chuẩn mực, quy tắc và nghĩa vụ xã hội;
  + Không có khả năng duy trì các mối quan hệ bền vững mặc dù không có khó khăn trong sự thiết lập chúng;
  + Khả năng dung nạp rất thấp đối với sự thất bại và rất dễ bùng nổ những cơn gây hấn bao gồm cả bạo lực;
  + Mất khả năng nhận cảm tội lỗi và rút kinh nghiệm, đặc biệt đối với sự trừng phạt;
  + Có thiên hướng rõ rệt, trách móc những người khác hoặc đưa ra những lý sự có vẻ chấp nhận được đối với hành vi đã đưa bệnh nhân đến xung đột với xã hội.
Tiêu chuẩn lâm sàng (Cẩm nang chẩn đoán và thống kê về rối loạn tâm thần, Ấn bản lần thứ Năm [DSM-5])
Đối với chẩn đoán rối loạn nhân cách chống đối xã hội, bệnh nhân phải
   a. Sự coi thường quyền lợi của người khác: được xác định bởi sự có mặt của ≥ 3 trong số những mục dưới đây:
       - Không quan tâm đến luật pháp, được thể hiện bằng cách liên tục thực hiện các hành vi bị bắt giữ
      - Lừa dối, được thể hiện bằng cách nói dối lặp đi lặp lại, sử dụng các bí danh, hoặc chỉ huy người khác để đạt được lợi ích hoặc sự thích thú cá nhân
       - Hành động bốc đồng hoặc không có kế hoạch trước
       - Dễ dàng bị khiêu khích hoặc kích động, được thể hiện bởi việc liên tục đánh nhau hoặc tấn công người khác
       - Không quan tâm đến sự an toàn của họ hoặc sự an toàn của người khác
      - Liên tục hành động vô trách nhiệm, được thể hiện bằng cách bỏ việc mà không có kế hoạch cho một công việc khác hoặc không thanh toán hóa đơn
       - Không cảm thấy hối hận, được biểu hiện bởi sự thờ ơ hoặc hợp lý hóa việc gây tổn thương hoặc ngược đãi người khác
   b. Ngoài ra, bệnh nhân phải có bằng chứng chứng minh rằng một rối loạn hành vi đã xuất hiện từ 15 tuổi. Rối loạn nhân cách chống đối xã hội được chẩn đoán chỉ ở người ≥ 18 tuổi.
Chẩn đoán phân biệt
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội nên được phân biệt với những rối loạn sau:

    - Rối loạn sử dụng chất: Xác định liệu sự bốc đồng và thiếu trách nhiệm là do rối loạn sử dụng chất hoặc do rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể là một việc khó khăn nhưng có thể dựa trên việc xem xét lại tiền sử của bệnh nhân, bao gồm cả tiền sử từ nhỏ, để kiểm tra giai đoạn không sử dụng chất.
    - Rối loạn hành vi: Rối loạn hành vi có một khuôn mẫu phổ biến tương tự của việc vi phạm các chuẩn mực và quy tắc xã hội, nhưng rối loạn hành vi phải xuất hiện trước tuổi 15.
    - Rối loạn nhân cách ái kỷ :Bệnh nhân đều có sự tương tự về tính khai thác và thiếu sự đồng cảm, nhưng họ không có khuynh hướng hung hăng và lừa dối như xảy ra trong rối loạn nhân cách chống đối xã hội.
   - Rối loạn nhân cách ranh giới:Bệnh nhân có sự tương tự về sự thao túng nhưng làm như vậy để được nuôi dưỡng hơn là nhận được những gì họ muốn (ví dụ, tiền, quyền lực) như xảy ra trong rối loạn nhân cách chống đối xã hội.
Điều trị ASPD như thế nào ?                   
   Không có bằng chứng nào cho thấy bất kỳ điều trị cụ thể nào dẫn tới sự cải thiện lâu dài. Do đó, điều trị nhằm đạt được một số mục tiêu ngắn hạn khác, chẳng hạn như tránh các hậu quả pháp lý, thay vì thay đổi bệnh nhân. Quản lý ngẫu nhiên (ví dụ, lấy đi hay giữ lại những gì bệnh nhân muốn tùy thuộc vào hành vi của họ) được chỉ định.
   Những bệnh nhân với xung động nổi bật và cảm xúc không ổn định có thể có lợi với điều trị bằng liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp nhóm - gia đình hoặc thuốc chỉnh khí sắc (ví dụ lithium, valproate , carbamazepin,…). Các thuốc chống loạn thần không điển hình có thể đạt hiệu quả (như risperidon, olanzapin, quetiapine,…) nhưng có ít bằng chứng hơn về việc sử dụng chúng.
   * Liệu pháp nhận thức hành vi là liệu pháp giúp các cá nhân có được cái nhìn sâu sắc về hành vi của họ từ đó thay đổi các suy nghĩ, hành vi không phù hợp. Hiệu quả thường chỉ xảy ra sau khi điều trị lâu dài. Liệu pháp nhóm và liệu pháp gia đình cũng như các liệu pháp tâm lý khác nhằm mục tiêu cung cấp khả năng nhận biết và hiểu trạng thái tinh thần của bản thân và người khác, cũng đã được nghiên cứu với ASPD và cho thấy nhiều hứa hẹn.

Tác giả bài viết: Bs Phan Đăng Khoa

Nguồn tin: ICD10; DSM-5; tamchitamlyhoc.com; tamlyvietphap.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich lam viec moi
Thăm dò ý kiến

Bệnh viện tâm thần Bến Tre phục vụ bệnh nhân như thế nào?

Thống kê
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay511
  • Tháng hiện tại37,486
  • Tổng lượt truy cập1,789,089
Bệnh viện tâm thần Bến Tre
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây