Rối loạn hoảng sợ ( Panic disorder ) đặc trưng bằng sự xuất hiện các cơn hoảng sợ đột ngột, không có nguyên nhân tương xứng.Cơn hoảng sợ được định nghĩa là sự khởi phát đột ngột của một giai đoạn ngắn, rời rạc với cảm giác khó chịu căng thẳng, lo âu, hoặc sợ hãi kèm theo các triệu chứng cơ thể và/hoặc triệu chứng nhận thức
Ảnh minh hoạ
Dịch tể
Tỷ lệ mắc bệnh của rối loạn hoảng sợ là 1,5-5%, còn đối với cơn hoảng sợ là 3-5,6%. tỷ lệ mắc bệnh nữ/ nam là 2-3/1.Độ tuổi khởi phát trung bình là 25 tuổi . Rối loạn hoảng sợ thường kết hợp với các rối loạn khác như sợ xã hội , sợ đặc hiệu , rối loạn lo âu toàn thể , rối loạn stress sau sang chấn, lạm dụng chất,...
Nguyên nhân của rối loạn
1.Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra ở não bộ của bệnh nhân bị rối loạn hoảng sợ xuất hiện các bất thường về mặt sinh hoá , cấu trúc và chức năng .
- Bất thường của các chất trung gian hoá học trong rối loạn hoảng sợ là norepinephrine, serotonine, GABA. Trong đó vai trò của hệ serotonine là quan trọng nhất
- Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại cho thấy trong rối loạn hoảng sợ có nhiều bất thường như teo vỏ não ở thùy thái dương phải, ở hồi hải mã và rối loạn tưới máu não.
2.Một số yếu tố có thể đóng vai trò kích thích bao gồm:
- Di truyền , yếu tố gia đình
- Hay căng thẳng, nhạy cảm, dễ bị cảm xúc tiêu cực
- Caffeine, nicotine và 1 số chất khác có thể khởi phát và làm tăng cơn hoảng sợ
3.Ngoài ra còn có các yếu tố tâm lý xã hội
Hai thuyết nhận thức-hành vi và phân tâm học đều cho thấy rằng yếu tố tâm lý cũng góp phần hình thành nên rối loạn.
Tiêu chuẩn chẩn đoán: Các hướng dẫn chẩn đoán theo ICD-10
Theo bảng phân loại này, khi cơn hoảng sợ xuất hiện trong một tình huống gây sợ xác định được, thì người ta xem đó như là mức độ nặng của sợ (phobia) và phải được chẩn đoán là rối loạn sợ. Chỉ chẩn đoán là rối loạn hoảng sợ là chính khi không có biểu hiện của các rối loạn sợ trong mục F40-Để chẩn đoán xác định, bệnh nhân phải có nhiều cơn lo âu độc lập nặng nề, xảy ra trong vòng một tháng:
(a) Trong hoàn cảnh không có gì nguy hiểm về mặt khách quan.
(b) Cơn xuất hiện trong những tình huống không xác định hoặc tiên liệu được.
(c) Giữa các cơn tương đối không bị các triệu chứng lo âu (mặc dầu thường có lo âu trước)
Bao gồm: Cơn hoảng sợ; Trạng thái hoảng sợ.
Rối loạn hoảng sợ phải được phân biệt với các cơn hoảng sợ, do các triệu chứng của rối loạn sợ ở mức độ trầm trọng như đã nói ở trên. Các cơn hoảng sợ có thể thứ phát sau các rối loạn trầm cảm, đặc biệt ở nam giới, không được chẩn đoán rối loạn hoảng sợ khi có đầy đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm.
Đặc điểm lâm sàng của rối loạn
Cơn đầu tiên của rối loạn hoảng sợ bao giờ cũng xuất hiện đột ngột.Các triệu chứng tăng nhanh trong vòng 10 phút. Triệu chứng tâm thần chủ yếu là sợ chết, khó tập trung, khó tiếp xúc do nói lắp, dễ nhầm lẫn do giảm trí nhớ ,trầm cảm trong cơn , giải thể nhân cách. Triệu chứng cơ thể thường là hồi hộp,đánh trống ngực, khó thở , tăng thở và vả mồ hôi. Cơn kéo dài thường từ 20-30 phút và hiếm khi quá 1 giờ. Sau đó các triệu chứng biến mất nhanh chóng hoặc từ từ.Khoảng 20% bệnh nhân bị ngất trong cơn hoảng sợ.
Ảnh minh hoạ
Chẩn đoán phân biệt
- Các bệnh cơ thể: :Phải loại trừ được các bệnh cơ thể mới nghĩ đến rối loạn hoảng sợ.
- Các rối loạn tâm thần khác cần phải phân biệt là tình trạng giả vờ, nghi bệnh, giải thể nhân cách,sợ xã hội, sợ đặc hiệu,stress sau sang chấn, trầm cảm và tâm thần phân liệt…
Tiên lượng
Rối loạn hoảng sợ tiến triển mạn tính. Khoảng 30-40% trường hợp hết triệu chứng trong một thời gian dài, 50% tái phát nhưng ở mức độ nhẹ, chỉ khoảng 10-20% tiếp tục lên cơn với nhiều triệu chứng trầm trọng. Sau 1-2 cơn hoảng sợ đầu tiên, bệnh nhân thích nghi dần với sự xuất hiện của cơn hoảng sợ. Tần số và mức độ trầm trọng của các cơn thường dao động, từ dưới một cơn mỗi tháng cho đến nhiều cơn trong một ngày.
Trầm cảm , nghiện chất làm bệnh trở nên phức tạp. Bệnh nhân nào nếu trước khi bị bệnh có chức năng nghề nghiệp tốt và các triệu chứng thoáng qua thì có tiên lượng tốt
Điều trị
Hai phương pháp điều trị có hiệu quả nhất là hoá liệu pháp và liệu pháp tâm lý
Hoá liệu pháp
Hiện nay hai loại thuốc được cơ quan dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận để điều trị rối loạn hoảng sợ là Alprazolam và Paroxetine.Thuốc SSRI hiệu quả hơn và dễ dung nạp hơn các thuốc benzodiazepines, IMAO, 3 vòng và 4 vòng
Các thuốc SSRIs đều hiệu quả đối với rối loạn hoảng sợ, theo thứ tự ưu tiên là paroxetine, sertraline hay fluvoxamine .Các SSRIs có tác dụng an dịu nên làm cho bệnh nhân dễ chịu ngay, nhờ vậy bệnh nhân thường tuân thủ điều trị tốt.
Benzodiazepines có tác dụng nhanh nhất, thường chỉ trong vòng tuần đầu tiên và có thể dùng kéo dài mà tác dụng chống hoảng sợ không bị mất đi. Cân nhắc khi chỉ định BZD là nguy cơ lệ thuộc thuốc,suy giảm nhận thức, lạm dụng thuốc,đặc biệt khi dùng kéo dài
Các thuốc chống trầm cảm 3 vòng và 4 vòng và IMAOs mặc dù vẫn có hiệu quả với rối loạn hoảng sợ tuy nhiên ngày nay ít được sử dụng vì gây ra nhiều tác dụng phụ khi dùng liều cao hoặc có thể tử vong khi dùng quá liều.
Thời gian điều trị một khi thuốc có tác dụng, liệu trình điều trị phải kéo dài từ 8-12 tháng.
Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp nhận thức hành vi
Các liệu pháp này đều có hiệu quả để điều trị rối loạn hoảng sợ. Kết hợp các liệu pháp nhận thức và hành vi với hoá trị liệu là có hiệu quả hơn là sử dụng từng liệu pháp riêng lẻ
- Liệu pháp nhận thức giải thích để thay đổi niềm tin sai lạc của người bệnh và cung cấp thông tin về các cơn giúp bệnh nhân hiểu rõ về rối loạn và có cách ứng phó phù hợp
-Thư giãn ứng dụng mục tiêu của phương pháp này là nắm vững phương pháp thư giãn và cách thức tự kiểm soát mức độ lo âu.
- Luyện thở : bằng cách tập luyện các phương pháp thở khí công kết hợp với các tư thế Yoga, bệnh nhân có thể điều chỉnh được nhịp thở qua đó tự kiểm soát được cơn hoảng sợ
- Phương pháp phơi nhiễm : Cho bệnh nhân tiếp xúc với những hoàn cảnh gây sợ hãi, dần
dần người bệnh sẽ không còn tâm lý lo sợ với những hoàn cảnh tương tự.
Các liệu pháp tâm lý xã hội khác
- Liệu pháp gia đình nhằm giúp cho các thành viên trong gia đình có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng bệnh lý của bệnh nhân. Thông qua giáo dục, và giúp đỡ lẫn nhau của các thành viên trong gia đình.
- Liệu pháp giải thích là phương pháp có thể dùng để điều trị rối loạn hoảng sợ và sợ khoảng rộng.
Ngoài ra, bệnh nhân rối loạn hoảng sợ nên được tư vấn cách xử lý để trấn an tâm lý và kiểm soát các cơn hoảng sợ khi chúng xuất hiện
- Ngồi tại chỗ cho đến khi cơn hoảng sợ mất đi.
- Thở chậm và thư giãn để kiểm soát cơn hoảng sợ
- Nhắc nhở bản thân cơn hoảng sợ sẽ qua nhanh