Bệnh Tâm thần phân liệt là bệnh loạn thần nặng tiến triển từ từ, có khuynh hướng dẫn đến mạn tính. Người bệnh thường tách ra khỏi cuộc sống chung quanh, thu dần vào thế giới nội tâm, tình cảm trở nên khô lạnh, khả năng học tập và làm việc ngày càng giảm sút… Vì vậy, sau các biện pháp điều trị bệnh, việc phục hồi chức năng tâm lý xã hội và lao động nghề nghiệp là vấn đề cần được quan tâm.
Từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, Khoa C - Bệnh viện Tâm thần Bến Tre ngoài việc điều trị tốt cho bệnh nhân mà còn chú ý đến công tác phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho bệnh nhân điều trị nội trú. Được sự quan tâm của Ban giám đốc bệnh viện, lãnh đạo khoa cùng sự kết hợp với khoa phục hồi chức năng, công tác phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho bệnh nhân tại khoa khá tốt, đã điều trị khỏi và có nhiều bệnh nhân sau khi ra viện đã thích ứng tốt với cuộc sống xã hội. Ngoài công tác điều trị, điều dưỡng- chăm sóc bằng thuốc, việc trị liệu tâm lý, áp dụng các liệu pháp phục hồi chức năng cho bệnh nhân khá đầy đủ, thực hiện các liệu pháp văn hóa, liệu pháp nhóm, liệu pháp sinh hoạt tập thể, liệu pháp lao động, các liệu pháp tái thích ứng xã hội.
Người bệnh tâm thần sau khi được điều trị có thể hết các triệu chứng rối loạn tâm thần, tuy nhiên các di chứng của bệnh để lại vẫn còn ảnh hưởng đến tư duy, cảm xúc và hành vi tác phong của họ dẫn đến họ không tái hòa nhập được với công đồng cũng như lao đông nghề nghiệp, nội tâm bất hạnh. Bệnh tâm thần đặc biệt là bệnh tâm thần phân liệt là một bệnh có khuynh hướng tiến triển mãn tính, người bệnh ngày một tách rời, xa lánh xã hội, khó hòa nhập với gia đình và cộng đồng. Xã hội cũng có khuynh hướng, kỳ thị, phân biệt đối xử cho rằng người bệnh tâm thần không có khả năng giúp ích gì cho gia đình và xã hội. Chính vì vậy, phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần để họ tự chăm lo bản thân, giúp ích cho gia đình và xã hội là trách nhiệm, nghĩa vụ của ngành y tế và cộng đồng, đem lại hiệu quả thiết thực và thể hiện sự ưu việt, tiến bộ của Nhà nước ta.
Ý nghĩa của phục hồi chức năng là phục hồi và cải thiện về thể chất, cảm xúc, tinh thần để sử dụng năng lực còn lại của bệnh nhân một cách đầy đủ về cảm xúc vận động cơ thể, để hoà nhập với gia đình, xã hội và làm việc kiếm sống.
Ảnh: Giờ sinh hoạt tập thể cho bệnh nhân tại khoa C
Bên cạnh đó, Khoa còn quan tâm chăm sóc cho người bệnh tâm thần về khâu vệ sinh cá nhân. Kiểm tra thân thể bệnh nhân: móng tay móng chân, râu tóc, da… Đôn đốc giúp đỡ hàng ngày duy trì trang phục cá nhân và vệ sinh cá nhân: tắm, rửa mặt, đánh răng, cắt móng tay, chân, hớt tóc, cạo râu cho bệnh nhân… để vệ sinh cá nhân bệnh nhân được sạch sẽ hơn.
Ảnh: Nhân viên khoa C đang hớt tóc, cạo râu cho bệnh nhân
Ngoài ra việc luyện tập thể dục thể thao: đánh bóng chuyền, tập thể dục buổi sáng, cho bệnh nhân đi bộ xung quanh bệnh viện… để duy trì sức khỏe cho bệnh nhân cũng được lãnh đạo Khoa chú trọng quan tâm và thực hiện cho bệnh nhân.
Ảnh: Bệnh nhân đánh bóng chuyền hơi
Ảnh: Bệnh nhân tập thể dục