1. Áp lực đồng trang lứa (Peer pressure) là gì?
Áp lực đồng trang lứa hay Peer pressure là một thuật ngữ được dùng rất nhiều hiện nay trong chuyên ngành tâm lý và giáo dục. Hiểu một cách đơn giản nhất, áp lực đồng trang lứa xuất hiện ở một cá nhân chịu tác động, ảnh hưởng từ những người đồng lứa tuổi hoặc cùng một nhóm xã hội nhưng được cho là thành công hơn, hạnh phúc hơn. Các tác động này có thể xuất phát từ bên trong của cá nhân đó hoặc do các yếu tố xung quanh thúc đẩy và hình thành áp lực.
Chẳng hạn một người có thể cảm thấy bản thân mình kém cỏi, vô dụng khi nhìn thấy người bạn ngồi cùng bàn ngày xưa nay đã mua nhà, mua ô tô trong khi hiện tại bản thân vẫn đang dùng xe máy trả góp. Hay một em học sinh có thể bị áp lực đồng trang lứa khi bị phụ huynh suốt ngày so sánh với “con nhà người ta”, luôn cho rằng bạn này, bạn kia học giỏi và không công nhận thực lực của mình.
Ảnh minh hoạ: Áp lực đồng trang lứa là vấn đề đang gặp phải ở rất nhiều người trẻ hiện nay
2. Biểu hiện của áp lực đồng trang lứa (Peer pressure)
- Luôn cảm thấy căng thẳng, stress về việc phải cố gắng hơn.
- Luôn cho rằng mình thua kém bạn bè, cảm thấy dù đã cố bao nhiêu nhưng cũng không bằng bạn bè.
- Vì cố gắng quá nhiều nên luôn trong trạng thái mệt mỏi, kiệt sức, tinh thần uể oải.
- Bồn chồn, lo lắng thường xuyên không rõ nguyên nhân.
- Luôn cảm giác bị mọi người coi thường, thiếu tự tin vào bản thân
- Rối loạn giấc ngủ vì suy nghĩ quá nhiều.
- Tinh thần dễ tiêu cực hơn, có thể dễ trở nên cáu gắt nếu những người xung quanh nói về các vấn đề năng lực, công việc, tương lai.
- Luôn muốn thể hiện bản thân để chứng tỏ rằng mình không hề thua kém những người xung quanh.
- Ít gặp gỡ những người xung quanh hơn do sợ bị nhắc về các vấn đề học tập, công việc…
- Luôn luôn có tâm lý so sánh mình với bạn bè xung quanh, đặc biệt chỉ so sánh với những người có đời sống, công việc tốt hơn, không quan tâm đến những người bằng hay kém năng lực hơn bản thân.
3. Nguyên nhân dẫn đến áp lực đồng trang lứa
3.1 Ảnh hưởng từ lối sống tập thể
Một vài nghiên cứu cũng đã cho thấy ở những người phương Đông thường được nuôi dạy trong nền văn hóa tập thể (collectivism) với tư tưởng luôn hướng đến những người xung quanh, đề cao thứ hạng, năng lực sẽ có xu hướng ‘so sánh xã hội’ (social comparison) hơn người phương Tây thường được chăm sóc theo chủ nghĩa cá nhân (individualism) chỉ quan tâm đến các giá trị cá nhân.
Điều này có nghĩa là ở người Phương Đông các hành vi, lời nói của một người thường dễ bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh, dựa vào những người khác để hành động, dễ theo số đông. Trong khi đó người Phương Tây luôn quan trọng cảm xúc của chính mình, thích độc lập, riêng tư, không quan tâm quá nhiều đến số đông.
3.2 Ảnh hưởng từ định kiến xã hội
Một câu nói rất quen thuộc của các bậc cha mẹ Việt Nam chính là “nhìn con nhà người ta mà xem”, điều này phần nào có thể cho thấy những định kiến về vị thứ, thành công, năng lực là rất quan trọng. Thói quen so sánh đã hình thành từ trong tiềm thức của mỗi người, chịu tác động từ chính gia đình ngay từ thời thơ ấu nên việc những tư tưởng này phát triển dần thành áp lực đồng trang lứa là điều khó tránh khỏi.
Định kiến xã hội thường diễn ra trong rất nhiều khía cạnh và đều do chính những con người tự tạo ra, tự nâng tầm nó lên và tự tạo áp lực cho chính mình. Chẳng hạn mọi người luôn mặc định rằng phải làm văn phòng, phải làm giám đốc mới là thành công, bán hàng online chỉ là công việc cho những người không được học hành đoàng hoàng. Tuy nhiên thực tế đôi khi doanh thu của những người bán hàng online còn cao hơn người đi làm văn phòng gấp đôi, gấp 3 mà lại thoải mái hơn về rất nhiều thứ.
3.3 Ảnh hưởng từ mạng xã hội
Công nghệ đang ngày càng phát triển hơn, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet và một tài khoản mạng xã hội, bạn có thể kết nối với toàn thế giới. Mạng xã hội thực sự là một con dao hai lưỡi, nó có thể đem đến cho bạn vô vàn thông tin hữu ích thú vị, đem đến cho bạn nhiều vui tiếng cười, giúp mọi người kết giao bạn bè nhưng đồng thời cũng khiến bạn tiêu cực hơn rất nhiều.
Đặc biệt hiện nay, thói quen chia sẻ cuộc sống lên mạng xã hội hay những bài báo, bài chia sẻ về sự thành công chính là những yếu tố gây áp lực đồng trang lứa của rất nhiều người. Dù không gặp, không nói chuyện nhưng bạn vẫn có thể biết cô bạn cùng bàn của mình mới mua nhà,mới mua xe. Những áp lực đồng trang lứa trong thời đại này không chỉ gói gọn trong những mối quan hệ quen biết mà còn được rộng mở ra rất nhiều, trên toàn xã hội. Chỉ cần mở Facebook lên là bạn lại cảm thấy áp lực vì nay thấy bạn A khoe xe, mai thấy bạn B khoe mua nhà, ngày kia thấy bạn C đăng hình đi du lịch. Càng nhìn lại bản thân bạn lại càng thấy bản thân kém cỏi và chán thường hơn.
3.4 Tư tưởng và nhận thức chưa phù hợp
Một người vốn đã có tính cách tiêu cực, thích so sánh, luôn chỉ nhìn nhận vào một vấn đề thường có xu hướng dễ bị áp lực đồng trang lứa hơn bình thường. Đặc biệt ở học sinh, suy nghĩ của các em còn rất non nớt, kiến thức xã hội còn yếu, dễ bị tác động bởi xung quanh, luôn muốn bản thân mình trở nên nổi bật, trở nên “ngầu hơn” nên dễ hình thành những tư tưởng phải vượt trội hơn người khác.
Mặt khác, hầu hết chúng ta thường có xu hướng chỉ nhìn nhận các vấn đề trong 1 khía cạnh, luôn chỉ nhìn theo cách mà bản thân muốn. Chẳng hạn khi thấy một người bạn cũ thành công, chúng ta có những suy nghĩ ghen tị, tủi thân mà không biết rằng họ nhiều về tiền bạc nhưng lại thiếu thốn tình cảm, không có ai thực sự yêu thương. Trong khi đó mặc dù bạn chưa thành công về tài chính nhưng lại luôn có những người yêu thương, ủng hộ và bảo vệ phía sau.
4. Làm thế nào để vượt qua áp lực đồng trang lứa
4.1 Tin tưởng, thấu hiểu bản thân để vượt qua áp lực đồng trang lứa
Mỗi người là một cá thể độc lập và bạn không cần phải giống ai. Tất nhiên điều này không có nghĩa là bạn phải trở nên “cá biệt” nhưng bạn hoàn toàn có thể làm mình nổi bật và được công nhận thông qua chính những thế mạnh của bản thân chứ không phải chạy theo xu hướng để hòa nhập.
Hãy thử bình tâm và suy nghĩ lại mình thực sự thích điều gì, thế mạnh là gì. Chẳng hạn bạn yêu thích nghệ thuật hay viết lách có thể thử viết kịch bản, làm biên tập, viết báo… Thất bại có thể xảy ra nhưng chính sự đam mê sẽ là yếu tố giúp bạn không cảm thấy chán nản, không lùi bước mà quyết tâm để thành công hơn.
Ngoài ra bạn cũng có thể lên kế hoạch cuộc đời, lập ra từng cột mốc trong cuộc sống cần phải thực hiện và thành công. Điều này giúp bạn có một định hướng rõ ràng, cí thể lập ra biểu đồ để từng bước thực hiện thay vì quá vội vàng dẫn đến thất bại như trước đó.
Ảnh minh hoạ: Luôn tự động viên chính mình rằng mình sẽ làm được, tin tưởng vào bản thân
4.2 Chia sẻ vấn đề với người thân
Nếu phụ huynh hay gia đình chính là một trong những yếu tố khiến bạn bị áp lực đồng trang lứa, luôn đặt nhiều hy vọng lên bản thân bạn thì hãy dành thời gian để nói chuyện thẳng thắn với người thân. Mọi người sẽ không thể biết bạn muốn điều gì nếu bạn không chia sẻ.
Mặt khác gia đình, bạn bè cũng luôn là một nguồn động lực to lớn giúp bạn có sức mạnh tiến đến thành công. Những mệt mỏi tiêu cực, chán nản cũng dần được vơi bớt khi được nói ra. Việc nói chuyện với một người tâm lý cũng giúp bạn cảm thấy thư giãn, tin vào chính mình hơn cả, hạn chế nguy cơ gặp các vấn đề như trầm cảm hay rối loạn lo âu.
4.3 Xây dựng tình bạn và sử dụng mạng xã hội một cách thông minh
Hầu hết các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok đều có chung một đặc điểm chính là hiển thị theo những xu hướng sử dụng của bạn. Chẳng hạn nếu bạn thường xuyên tìm tin tức về bất động sản thì bảng tin sẽ hiển thị toàn nội dung này. Do đó để tinh thần không bị tiêu cực, luôn ám ảnh với những thành công của những người xung quanh thì bạn nên chọn những nội dung lành mạnh, giúp bạn phát triển bản thân một cách tốt hơn.
Tương tự trong các mối quan hệ hằng ngày cũng vậy. Bạn không thể không áp lực nếu làm bạn với những người thành công nhưng ích kỷ, luôn muốn chỉ giữ cho bản thân mình. Hãy làm bạn với người có quyết tâm, cùng chí hướng, suy nghĩ tích cực. Trở thành bạn bè với những người bạn tốt có thể đồng hành với mình trong mọi khó khăn hoặc một người thành công biết chia sẻ, biết thúc đẩy chí khí của bạn sẽ mang đến rất nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe tinh thần chính bạn.
4.4 Yêu thương chính mình
Những áp lực lớn khiến bạn chỉ biết cố gắng, cố gắng và không ngừng cố gắng để bằng với bạn bè đồng trang lứa, chỉ chạy theo số đông mà quên mất đi dành thời gian cho bản thân mình. Bản thân chỉ chạy theo người khác khiến bạn dù có thể được đánh giá là thành công bên ngoài nhưng trong thâm tâm lại chẳng hề cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và cũng cảm thấy như không còn là chính mình.
Do đó dù như thế nào, bạn cùng đừng quên bản thân mình và gia đình mới thực sự là quan trọng. Mỗi một bước tiến mới đạt được thành công, hãy tự thưởng cho bản thân một thứ gì đó để khích lệ chính mình. Chẳng hạn bạn từ thứ hạng 37 nhảy lên được 36, dù chỉ 1 bậc nhưng cũng cho thấy bạn đã thực sự cố gắng hơn rất nhiều, đáng để được tuyên dương.
4.5 Tâm lý trị liệu
Áp lực đồng trang lứa là hội chứng phổ biến mọi lứa tuổi đặc biệt trẻ em, học sinh và sinh viên. Hội chứng này xuất phát từ việc so sánh bản thân với một ai đó mà bản thân cảm thấy có nhiều mặt vượt trội hơn mình gây nên sự tự ti, tạo áp lực lớn về tinh thần. Điều này dẫn đến khiến tâm trạng luôn ở trạng thái căng thẳng và stress. Vì vậy, sử dụng phương pháp trị liệu tâm lý từ nhà trị liệu giúp bạn cân bằng cảm xúc, giải tỏa căng thẳng, yêu thương bản thân mình và có suy nghĩ tích cực. Nếu bạn không thể giúp mình tự vượt qua áp lực đồng trang lứa, bạn có thể tìm đến sự đồng hành, hỗ trợ chuyên nghiệp của các chuyên gia tâm lý trị liệu.