Bệnh viện tâm thần Bến Tre

http://benhvientamthanbentre.com.vn


Sức khỏe tâm thần ở trẻ em

Định nghĩa sức khỏe theo Tổ chức Y tế thế giới WHO: là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội và không phải chỉ bao gồm có tình trạng không có bệnh hay thương tật.

Sức khỏe tâm thần được xem là một bộ phận không thể tách rời trong định nghĩa về sức khỏe, trong đó sức khỏe tâm thần không chỉ là không bị mắc rối loạn tâm thần, mà còn bao hàm trạng thái thoải mái, sự tự tin vào năng lực bản thân, tính tự chủ, năng lực và khả năng nhận biết những tiềm năng của bản thân.

Nghiên cứu về “Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên tại một số tỉnh và thành phố ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu và Phát triển và UNICEF Việt Nam thực hiện năm 2018 nhằm mục tiêu có cái nhìn tổng quan về thực trạng sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội ở trẻ em và thanh niên. Tỷ lệ hiện mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần nói chung đối với trẻ em và vị thành niên ở Việt Nam dao động từ 8% đến 29%, tỷ lệ trung bình các vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em khoảng 12%, đồng nghĩa với việc hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Các loại hình vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất trong trẻ em Việt Nam là các vấn đề như: lo âu, trầm cảm, tự kỷ, tăng động, giảm chú ý.

Bệnh tâm thần nặng mãn tính và chậm phát triển ảnh hưởng đến toàn bộ dân số và khoảng 20% trẻ em và vị thành niên toàn cầu (WHO, 2016).

Trong một nghiên cứu ở 90 quốc gia, tỷ lệ của số ca tự tử trên tổng số ca tử vong ở vị thành niên là 9,1% (Wasserman và cộng sự, 2005) trong khi ở Việt Nam, tỷ lệ này là 2,3% (Blum và cộng sự, 2012). Cách trẻ em và vị thành niên trả lời và hiểu về tự tử dường như thay đổi theo độ tuổi và giới: trong khi nhóm ở độ tuổi nhỏ hơn (11-14) nghe nói “nhiều” người từng cố gắng tự tử thì tới độ tuổi lớn hơn (15-17), một số đã có ý định tự tử và ở độ tuổi lớn hơn nữa, một vài em cho biết bản thân đã từng có hành vi toan tự tử/tự tử nhưng không thành.

Các yếu tố nguy cơ cũng như các yếu tố bảo vệ của tình trạng sức khoẻ tâm thần: Các yếu tố cá nhân, gia đình, trường học, cộng đồng, thể chế và cách thức các yếu tố đó tương tác và đóng góp vào các căn nguyên.
+ Các yếu tố về cá nhân: như sự cô lập/ tự cô lập về cảm xúc, tiếp cận các công nghệ hiện đại và những nguy cơ của các hành vi nghiện trực tuyến, những mối lo khác xoay quanh hình thể thấp bé, dẫn đến việc bị chọc ghẹo, gọi tên và phân biệt đối xử.
+ Gia đình: nguyên tắc gia đình quá nghiêm ngặt (đặc biệt liên quan đến thành tích học tập và kết hôn), gia đình nghèo hoặc đang trong tình trạng kinh tế - xã hội giảm sút, và những căng thẳng trong hộ gia đình.
+ Môi trường căng thẳng do học tập, thiếu sự hỗ trợ và/hoặc môi trường học đường bất ổn, và gặp trở ngại trong các mối quan hệ tình cảm.
+ Sự dễ dàng tiếp cận các chất độc hại, và phải đương đầu với những chuẩn mực có hại, việc tiếp cận độc chất như thuốc phiện, thuốc lắc, hay ma túy đá.
Các rối loạn tâm thần thường gặp ở trẻ em:
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý
  • Rối loạn cư xử và cảm xúc
  • Rối loạn hành vi, rối loạn bướng bỉnh chống đối
  • Rối loạn phát triển lan tỏa (Tự kỷ, hội chứng Rett, hội chứng Asperger…)
  • Chậm phát triển trí tuệ
  • Chậm nói, Rối loạn giao tiếp, Rối loạn phát âm
  • Rối loạn học tập (các kỹ năng đọc, viết, tính toán)
  • Rối loạn trầm cảm
  • Rối loạn lo âu (lo âu chia ly, ám ảnh sợ xã hội, rối loạn hoảng loạn, …)
  • Ám ảnh sợ (sợ dơ, sợ độ cao, sợ đám đông, sợ bị bệnh, sợ trường học …)
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (các hành vi lặp đi lặp lại nhiều lần không kiểm soát như rửa tay, tắm, kiểm tra khóa cửa,…)
  • Rối loạn stress sau sang chấn
  • Rối loạn ăn uống (chán ăn tâm thần, chứng ăn vô độ)
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Rối loạn TIC (các cử động nháy mắt, hỉnh mũi, nhăn mặt, …không do cố ý)
  • Động kinh (cơn co giật, cơn vắng ý thức)
  • Rối loạn tâm thần …
 

Tác giả bài viết: BSCKI. Trần Văn Trọng

Nguồn tin: 1. Bảng phân loại thống kê quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe có liên quan phiên bản lần thứ 10 - ICD10, Bộ Y tế. 2. Nghiên cứu về Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên tại Việt Nam, https://www.unicef.org/vietnam/vi/rep

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây