Bệnh viện tâm thần Bến Tre

http://benhvientamthanbentre.com.vn


Rối loạn hoang tưởng cảm ứng

1. Rối loạn hoang tưởng cảm ứng là gì
- Rối loạn hoang tưởng cảm ứng (Induced delusional disorder) hay còn được gọi là rối loạn loạn thần chia sẽ hay điên tay đôi. Thuật ngữ này được đề cập trong ICD 10 (Bảng phân loại bệnh Quốc tế lần thứ 10) với mã chẩn đoán: F24 còn theo DSM IV thì dùng thuật ngữ "Rối loạn tâm thần chia sẽ"
- Là một rối loạn hiếm gặp, chưa có nhiều dữ liệu về dịch tể cũng như điều trị bài bản, phần lớn được đề cập trong những ca lâm sàng riêng lẽ.
rlhtcu
Ảnh minh hoạ
2. Đặc điểm lâm sàng
Đặc trưng của rối loạn này là sự di chuyển hoang tưởng từ người này sang một hoặc nhiều người. Người nhận hoang tưởng thường là phụ thuộc vào người bị bệnh tâm thần thực sự, là người có liên quan chặt chẽ về cảm xúc với người bệnh thực sự và hoang tưởng thường mất đi khi họ cách xa nhau. Tuy nhiên một số trường hợp sẽ tiến triển mạn tính ở người bị cảm ứng. Đặc điểm của người bị cảm ứng thường là người có trí tuệ thấp hơn, thụ động, cách ly về mặt ngôn ngữ, văn hóa, địa lý và người cả tin hơn. Các hoang tưởng thường gặp với nội dung bị truy hại hay tự cao.
Vào năm 1651, Harvey đã mô tả trường hợp rối loạn hoang tưởng cảm ứng đầu tiên là trường hợp 2 chị em có hoang tưởng có thai. Đến năm 1887 thì thuật ngữ "điên tay đôi"  được sử dụng bởi hai nhà tâm thần học Lasegue và Falret. Vào năm 1942, Gralnick đã phân rối loạn hoang tưởng cảm ứng thành 4 thể như sau:
  • Thể A: "điên bị áp đặt" : hoang tưởng được truyền từ người bị loạn thần sang người không mắc bệnh.
  • Thể B: "điên đồng thời": cả 2 người đều đồng thời xuất hiện cùng hoang tưởng, những người này có mối quan hệ mật thiết và có các yếu tố khởi phát bệnh tâm thần.
  • Thể C: "điên do lây" hoang tưởng được truyền sang người bị cảm ứng và sau đó phát triển thành một rối loạn tâm thần mạn tính mặc dù đã cách ly khỏi người bị bệnh ban đầu.
  • Thể D: "điên cảm ứng" người bị cảm ứng sẽ phát triển và hình thành những hoang tưởng mới, lúc này bệnh nhân có các triệu chứng khác giống như một rối loạn tâm thần thật sự.
3. Tiêu chuẩn chẩn đoán
Theo ICD 10 để chẩn đoán một trường hợp rối loan hoang tưởng cảm ứng thì phải thỏa các tiêu chuẩn sau:
- Có hai hay nhiều người cùng chia sẻ một hoang tưởng hay một hệ thống hoang tưởng và ủng hộ lẫn nhau trong điều tin này.
- Họ có mối liên hệ chặt chẽ bất thường theo cách mô tả ở trên.
- Có bằng chứng về thời gian hay về bối cảnh khác là hoang tưởng đã được cảm ứng do thành viên bị động đã tiếp xúc với thành viên chủ động.
Ảo giác cảm ứng không thường gặp nhưng nếu có cũng không phủ định chẩn đoán. Tuy nhiên nếu có những lý lẽ để tin rằng hai người tuy sống chung nhưng có những rối loạn loạn thần độc lập thì không được ghi theo mã chẩn đoán này. Kể cả khi một số trong những hoang tưởng của họ là những hoang tưởng chia sẻ.
4. Điều trị rối loạn hoang tưởng cảm ứng như thế nào
Vì đây là rối loạn hiếm gặp nên chưa có những điều trị thật sự bài bản. Rối loạn hoang tưởng cảm ứng thường xuất hiện ở những người có quan hệ gần gũi, gắn bó với người bệnh thật sự cho nên việc cách ly người bệnh thật sự với người bị cảm ứng thường có hiệu quả kèm theo cần tạo cho người bị cảm ứng những mối quan hệ mới .
Nếu bệnh tiến triển mạn tính ở người bị cảm ứng thì có thể sử dụng các liệu pháp tâm lí hỗ trợ kết hợp với các thuốc chống loạn thần, nâng đỡ cơ thể và điều  trị các bệnh kết hợp nếu có.

Tài liệu tham khảo : ICD 10; Giáo trình Tâm thần học sau đại học, Trường Đại học Y dược Huế; Induced Delusional Disorder: A Case Report P.C.Msoni 1 , A.Tsarkov 1,2 & P.Petlovanyi 2 1. Chainama Hills College Hospital (CHCH), Lusaka, Zambia 2. Department of Psychiatry, School of Medicine, University of Zambia (UNZA), Lusaka, Zambia.


 

Tác giả bài viết: Bs. Phan Đăng Khoa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây