Bệnh viện tâm thần Bến Tre

http://benhvientamthanbentre.com.vn


Hỗ trợ trẻ tự kỷ bằng công cụ AAC

Tự kỉ không cướp đi đứa con thân yêu của các bố mẹ, nếu biết cách can thiệp đúng lúc - đúng cách - sử dụng đúng đồ dùng trực quan sẽ đem lại sự thành công.
Hiện nay, trẻ mắc chứng tự kỉ ngày càng nhiều ở Việt Nam. Tự kỷ chưa có thuốc chữa khỏi, việc điều trị cho trẻ tự kỷ mang ý nghĩa nâng đỡ, giúp trẻ đa dạng hóa kỹ năng, tự chăm sóc bản thân và dễ hòa nhập hơn. Tuy nhiên, trẻ mắc chứng tự kỷ được can thiệp sớm sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn.
Các bác sĩ Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết, trẻ tự kỷ thường có các dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ như không nói lời nào, lặp lại lời nói, đảo ngược câu, nói không đúng ngữ cảnh, không tiếp xúc mắt, gọi không quay lại, không biểu lộ tình cảm, không tự khởi xướng lời nói, thường có biểu hiện rập khuôn, xoay vòng, nhón gót, nhìn cận, bịt tai, chơi một mình.
Một trong những điều mà cha mẹ có con tự kỷ đau đầu nhiều nhất là "làm sao cho con tôi nói được?". Có nhiều phụ huynh, thậm chí cả giáo viên can thiệp, còn nghĩ rằng nhất thiết phải nói được thì mới tiến bộ được, và tìm đủ cách can thiệp để trẻ bật ra lời nói. Nhưng đôi khi trẻ chỉ nói như vẹt, chỉ hát và đọc thuộc lòng các bài thơ, chỉ nhại lại các câu của cô và của mẹ do bị bắt ép, hoặc bị lôi cuốn bằng phần thưởng, chứ không thực sự biết sử dụng lời nói để giao tiếp. Trong trường hợp này, dù cho trẻ có thể phát ra được âm thanh lời nói, nhưng vẫn không thể học hỏi hiệu quả.
Những nhà chuyên môn về tự kỷ khuyên cha mẹ nên sử dụng giao tiếp tăng cường và thay thế (AAC). Đó là cử chỉ, điệu bộ hoặc đồ vật, tranh ảnh, công cụ khác... để hỗ trợ trẻ giao tiếp, hiểu biết qua lại giữa trẻ và mọi người.
Giao tiếp Tăng cường và Thay thế (AAC) là một cách khác để giao tiếp cho những người không nói được hoặc diễn đạt khó hiểu hoặc gặp khó khăn khi hiểu người khác.
acc
Ảnh minh họa

Hiện nay có hai kiểu hệ thống AAC: 

- Hệ thống không cần hỗ trợ: Không cần các thiết bị hỗ trợ khi áp dụng âm ngữ trị liệu cho trẻ. Hệ thống này bao gồm việc sử dụng cử chỉ và các ký hiệu bằng tay (ví dụ như Ký hiệu Từ khóa) để giúp trẻ tăng cường giao tiếp.  

- Hệ thống cần hỗ trợ: Cần các công cụ, thiết bị hỗ trợ đơn giản hoặc cao cấp. Hệ thống đơn giản cần các công cụ như thẻ để học từ hay tranh ảnh minh họa, nhằm giúp trẻ hiểu những gì người khác đang nói, diễn đạt những gì mình muốn, trả lời câu hỏi... Còn hệ thống cao cấp thì cần các thiết bị phát ra giọng nói hoặc các ứng dụng trên thiết bị điện tử (như iPad, điện thoại) để giúp trẻ cải thiện khả năng giao tiếp. Tuy nhiên, bố mẹ cần rất chú ý khi cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử vì chúng có thể gây “nghiện” và phản tác dụng. 

   + AAC quan trọng với những người không nói được vì họ có thể gặp khó khăn khi lấy thông tin, kết bạn, học tập, tìm việc, giữ an toàn hay biểu đạt cảm giác, ý kiến, ý tưởng.

   + Các hệ thống AAC có thể được tùy biến cho phù hợp với nhu cầu giao tiếp của từng người

- Lợi ích của phương pháp giao tiếp tăng cường trong việc dạy ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ

   + Học từ mới dễ dàng hơn vì trẻ được học từ kết hợp với tranh ảnh hoặc cử chỉ minh họa. Ví dụ, khi học từ “quả táo” thì trẻ được nhìn thấy ngay ảnh chụp quả táo.

    + Cải thiện khả năng hiểu từ ngữ, vì những hình ảnh sẽ được trẻ ghi nhớ lâu hơn là lời nói đơn thuần. Vì vậy, trẻ sẽ nắm được thông tin tốt hơn và không bị “quá tải” do lượng thông tin bằng lời nói quá lớn.

   + Giao tiếp bằng ánh mắt nhiều hơn, do trẻ chú ý hơn (đến hình ảnh, cử chỉ...). Giao tiếp bằng ánh mắt là điều rất quan trọng và thường được đề cao trong các chương trình dạy trẻ tự kỷ.

   + Giảm căng thẳng vì trẻ có thể diễn đạt ý mình tốt hơn. Đồng thời, bố mẹ cũng đỡ căng thẳng vì có thể hiểu và giao tiếp với trẻ hiệu quả hơn.

"Can thiệp AAC đem lại các lợi ích đáng kể trong sự phát triển năng lực giao tiếp và các kỹ năng ngôn ngữ; Sự phân tích các bằng chứng tốt nhất ở thời điểm hiện tại cung cấp dữ liệu cho thấy các can thiệp AAC cũng có thể đem lại lợi ích tích cực cho sự phát âm lời nói tự nhiên"
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây