Bệnh viện tâm thần Bến Tre

http://benhvientamthanbentre.com.vn


Bệnh sa sút trí tuệ - dấu hiệu và cách chăm sóc

Sa sút trí tuệ là sự suy giảm dần dần khả năng trí tuệ vốn có từ trước của bệnh nhân. Ban đầu biểu hiện của bệnh sa sút trí tuệ là mất trí nhớ gần, không rõ ràng và ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn muộn, bệnh nhân sẽ bị tăng tần suất các tai biến và việc chăm sóc người mắc bệnh sa sút trí tuệ đòi hỏi phải có phương pháp khoa học và hiệu quả.

Dấu hiệu của bệnh sa sút trí tuệ

1. Mất trí nhớ gần

Ở thời kỳ đầu biểu hiện của bệnh có thể còn nhẹ. Người bệnh thường quên những sự việc vừa mới xảy ra và không nhớ lại được, cũng có thể quên ngay những điều vừa mới nghe hoặc những điều vừa mới dự định làm. Theo tiến trình của bệnh, suy giảm trí nhớ ngày càng nặng hơn và bệnh nhân quên cả các sự kiện xảy ra ngày hôm trước, quên tên người quen cũ, đồng nghiệp, quên các kiến thức đã học… rồi quên cả các sự kiện quan trong liên quan đến cuộc sống cá nhân của mình.

2. Rối loạn định hướng

Khi mắc bệnh sa sút trí tuệ khả năng định hướng của người bệnh bị  ảnh hưởng nghiêm trọng. Người bệnh thường lạc đường, không nhớ được cách họ đi đến một nơi chốn cụ thể và quên cách để trở về nhà, dần dần mất hoàn toàn khả năng định hướng không gian và thời gian.

3. Rối loạn hoạt động

Người bệnh có thể không còn nhớ ăn uống thế nào cho đúng cách hoặc không thể tự ăn uống được. Nặng hơn, người bệnh không thể tự làm vệ sinh cá nhân, cần phải có sự giúp đỡ của gia đình.

4. Rối loạn ngôn ngữ

Người bệnh quên những từ đơn giản hoặc dùng từ không đúng, khó khăn trong việc tìm từ, diễn đạt, rối loạn phát âm như nói lắp, khó gọi tên đồ vật…

5. Giảm khả năng tư duy trừu tượng

Người bệnh có thể không nhận ra được các con số hoặc không thực hiện được các phép tính đơn giản. Khả năng suy luận, phán đoán và giải quyết vấn đề cũng bị suy giảm theo tiến triển của bệnh, ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động nghề nghiệp, các quan hệ xã hội và ngay cả trong cuộc sống gia đình, hoạt động sống hàng ngày của bệnh nhân.

6. Thay đổi tính cách

Khi mắc bệnh tính cách người bệnh thay đổi : thường âu lo, buồn phiền, giận dữ, dễ kích động, nghi ngờ hoặc sợ sệt và mất tự chủ…

Các biến chứng của bệnh sa sút trí tuệ

1. Ăn uống kém

Nhiều bệnh nhân sa sút trí tuệ thường ăn uống ít hoặc không chịu ăn uống. Họ quên ăn hoặc nghĩ là mình đã ăn rồi. Đồng thời mất đi những khả năng vận động phản xạ như nuốt (nên dễ bị rối loạn dinh dưỡng và sặc thức ăn vào phổi gây tắc nghẽn đường thở hoặc gây viêm phổi. Trầm cảm, các tác dụng phụ của thuốc, táo bón và vài tình trạng khác cũng có thể làm giảm sự hứng thú trước thức ăn.

2. Vệ sinh không đảm bảo

Người bệnh hoàn toàn lệ thuộc vào người khác trong các hoạt động thường ngày như ăn uống, đại tiểu tiện, tắm rửa và đi lại. Người bệnh không đi lại được nên phải nằm liệt giường, đi tiểu không tự chủ nên phải đặt thông tiểu, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, nếu không được điều trị sớm bệnh tình sẽ ngày càng nặng hơn, có thể đe dọa mạng sống bệnh nhân. Các điểm tỳ, nhất là vùng lưng, xương, 2 bên hông dễ bị lở loét do bị liệt toàn thân…

3. Suy thoái tinh thần

Sa sút trí tuệ khiến người bệnh thay đổi về tính cách và thái độ, có thể dẫn đến trầm cảm, kích động, hỗn loạn, lo lắng, mất khả năng ức chế, rối loạn định hướng.

4. Dễ bị té ngã, chấn thương

Người bệnh sa sút trí tuệ thường bị mất định hướng và dễ dàng bị vấp ngã, làm tăng nguy cơ gãy xương. Hơn nữa, té ngã thường làm chấn thương đầu nặng, như xuất huyết nội sọ, bệnh nhân phải chịu phẫu thuật nằm viện dài ngày, càng làm tăng nguy cơ huyết khối trong não, tim, phổi, loét da do tư thế,…tất cả đều đe dọa mạng sống người bệnh.

cham soc sa su tri tue

Cách chăm sóc người mắc bệnh sa sút trí tuệ

1. Về ăn uống

- Xây dựng một khẩu phần ăn đầy đủ, căn bằng, hợp lý. Bổ sung đầy đủ các vitamin B12, B6, omega3, folat… trong các bữa ăn, hạn chế chất béo, muối và đường.
- Bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia… sẽ giúp giảm thiểu nguy cơbệnh tim mạch, nhũn não, đột quỵ và tai biến mạch máu não.
- Cho người bệnh ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, nhắc nhở bệnh nhân ăn uống đúng giờ và uống thuốc đầy đủ.

2. Việc luyện tập thể dục

- Luyện tập thể dục đều đặn mỗi ngày cũng giúp cải thiện trí nhớ và làm chậm quá trình lão hóa cũng như sa sút trí tuệ. Bệnh nhân có thể tập thể dục 3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 10-20 phút, thời gian nhiều hoặc ít hơn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe hiện tại của họ. Nếu trước đây người bệnh chưa từng tập hoặc có biến chứng khác, thì người nhà nên tư vấn bác sĩ trước khi bắt đầu chương trình luyện tập. Ngoài ra, đi dạo trong công viên, tập thể dục, tập yoga, thiền, ngủ đủ giấc, duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh… cũng là những liệu pháp xoa dịu thần kinh hiệu quả và giúp người bệnh lấy lại sự thanh thản, nhẹ nhàng trong tâm trí một cách nhanh chóng.

3. Chia sẻ, cảm thông với người bệnh

Chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ là một công việc rất khó khăn và đòi hỏi sự kiên nhẫn cao. Do sa sút trí tuệ là căn bệnh hầu như không thể chữa khỏi, nên họ phải chịu đựng những chấn thương về thể chất và tinh thần ngờ,. Vì vậy người nhà nên chăm sóc nhẹ nhàng, vỗ về với lời nói ngắn gọn, chậm rãi, rõ ràng. Thường xuyên cho con cháu tới thăm hỏi, nhất là trẻ thơ vì chúng là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho người bệnh.

4. Tránh người bệnh đi lang thang, lạc lối

- Thay ổ khóa cửa mở cần chìa, gắn hệ thống báo động cửa ra vào.
- Thường xuyên để ý đến người bệnh
- Khi ra ngoài phải có người thân bên cạnh.
Cách phòng ngừa bệnh sa sút trí tuệ
Không có cách nào để ngăn ngừa sa sút trí tuệ, tuy nhiên một số điều có thể giúp ích như:
- Hoạt động trí óc thường xuyên.
- Hoạt động thể chất và hoạt động xã hội.
- Bỏ hút thuốc. Một số nghiên cứu đã chỉ ra - hút thuốc ở tuổi trung niên trở lên có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ và bệnh lý mạch máu.
- Hạ huyết áp của bạn. Huyết áp cao có thể dẫn đến một nguy cơ cao của một số loại sa sút trí tuệ.
Trên đây là những thông tin chi tiết về dấu hiệu, biến chứng cũng như cách chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ. Khi nghi ngờ người thân bị sa sút trí tuệ,  nhanh chóng đưa họ đến khám tại các phòng khám chuyên khoa tâm thần, thần kinh hoặc lão khoa để có biện pháp điều trị kịp thời.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây