Khảo sát trầm cảm ở người sử dụng ma túy tổng hợp tại Bệnh viện

Thứ năm - 16/07/2020 13:49
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Trầm cảm là một dạng rối loạn tâm thần thường gặp. Trầm cảm có liên quan đến nhiều loại bệnh tật và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Y văn cho thấy rối loạn trầm cảm chiếm tỷ lệ cao ở những người đang sử dụng các loại ma túy tổng hợp, tuy nhiên các yếu tố liên quan vẫn chưa được mô tả đầy đủ. Mục tiêu: Xác định tỷ lệ trầm cảm và các yếu tố liên quan đến trầm cảm trên những người sử dụng ma túy tổng hợp. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang được thực hiện trên những người sử dụng ma túy tổng hợp đang điều trị tai bệnh viện tâm thần Bến Tre. Tất cả đối tượng thỏa tiêu chí chọn mẫu sẽ được chọn và được phỏng vấn dựa vào bảng câu hỏi soạn sẵn gồm những thông tin nền, quá trình tham gia điều trị, thang đo trầm cảm PHQ-9. Kiểm định chi bình phương với ngưỡng ý nghĩa khi p<0,05 được dùng để xác định các yếu tố có liên quan đến trầm cảm và ước lượng mức độ liên quan bằng tỉ số tỷ lệ hiện mắc PR và khoảng tin cậy 95%. Kết quả: Tỷ lệ trầm cảm ở những người sử dụng ma túy tổng hợp là 29,4%. Phần lớn đối tượng nghiên cứu <35 tuổi, nam giới, từ cấp 2 trở lên, có thu nhập cá nhân. Đối tượng tham gia nghiên cứu có thời gian sử dụng ma túy tổng hợp >5 năm chiếm tỷ lệ cao hơn, gần 14% có người thân trong gia đình là người nghiện chất. Tình trạng hôn nhân, trình độ học vấn, thu nhập cá nhân, thời gian sử dụng ma túy tổng hợp, và có người thân nghiện chất có liên quan đến trầm cảm. Kết luận: Người sử dụng ma túy tổng hợp sống một mình, không có thu nhập cá nhân, học vấn thấp, thời gian sử dụng ma túy tổng hợp >5 năm, trong gia đình có thành viên nghiện chất có tỷ lệ trầm cảm cao hơn những người không có các đặc tính này.
Từ khóa: Trầm cảm, Amphetamine, PHQ-9
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Sức khỏe tâm thần là một trong những nội dung định nghĩa về sức khỏe của Tổ chức y tế Thế giới (27). Chăm sóc sức khỏe tâm thần chính là một phần cần thiết và chính yếu của việc chăm sóc sức khỏe toàn diện. Chăm sóc sức khỏe tâm thần cần được hỗ trợ liên ngành bao gồm chăm sóc dựa vào cộng đồng, bệnh viện, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cả việc tự chăm sóc của bản thân(29).
Rối loạn trầm cảm là một dạng rối loạn tâm thần mạn tính, thường gặp, có nhiều khả năng tái phát, làm ảnh hưởng cả bản thân lẫn gia đình người mắc bệnh và là một trong những vấn đề y tế công cộng đáng quan tâm(10). Rối loạn trầm cảm là một trong mười bệnh tốn kém nhất tại Mỹ(10) với tỷ lệ hiện mắc ước chừng khoảng 17% và ngày càng gia tăng(4). Người bị trầm cảm có những biểu hiện như buồn bã, cô đơn, khó chịu, chán nản, mất sự hứng thú, mất niềm vui, cảm thấy tội lỗi, vô dụng, cảm giác vô vọng, mất niềm tin hay đánh mất giá trị của bản thân, rối loạn giấc ngủ hoặc thèm ăn, kém tập trung và có thể đi kèm một loạt các triệu chứng về thể chất(28). Một chẩn đoán trầm cảm nặng đòi hỏi các triệu chứng nêu trên xuất hiện trong hai tuần hoặc kéo dài lâu hơn. Nếu trầm cảm kéo dài và không được điều trị thì có thể dẫn đến tự tử. Tổ chức y tế thế giới (WHO) ước tính trung bình mỗi năm có khoảng 850.000 các vụ tự tử liên quan đến trầm cảm(28).
Đến năm 2020, trầm cảm được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên gánh nặng bệnh tật được đo bằng số năm sống mất đi (DALYs) . Trầm cảm có liên quan đáng kể đến bệnh tật và tử vong(6,16). Mặc dù vậy, trầm cảm có thể chẩn đoán và điều trị hiệu quả bằng các liệu pháp tâm lý hoặc thuốc, từ đó có thể giảm đáng kể các tác động tiêu cực của trầm cảm đến bệnh nhân. Tuy nhiên, có những rào cản ảnh hưởng đến việc điều trị bao gồm thiếu nguồn lực, thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp và đặc biệt là sự kỳ thị của xã hội liên quan đến các bệnh rối loạn tâm thần như trầm cảm(28).
Trầm cảm có thể được sàng lọc bằng những bộ công cụ đo lường mức độ trầm cảm. Đối tượng có nguy cơ cao như những người có bệnh mãn tính, các triệu chứng đau không rõ nguyên nhân, môi trường gia đình căng thẳng,những phụ nữ sau khi sinh hoặc người cao tuổi hay những người bị kỳ thị do mắc các bệnh như lao, phong, HIV/AIDS và cũng thường gặp ở những người nghiện các chất dạng thuốc phiện vì bị xã hội cô lập. Tuy nhiên, người mắc trầm cảm thường khó nhận biết và khó khăn trong chẩn đoán do khó xác định được ranh giới giữa cảm xúc bình thường với buồn và giữa các hội chứng trầm cảm nặng, ngay cả các triệu chứng như chán ăn, sụt cân hay mệt mỏi cũng khó xác định là do bệnh lý hay do trầm cảm.
Trong những năm gần đây có sự tăng lên trong việc sử dụng ma túy tổng hợp, việc sử dụng ma túy tổng hợp gây nên những nguy hại cho sức khỏe người sử dụng và các yếu tố xã hội liên quan. Việc điều trị hiệu quả những triệu chứng loạn thần và khí sắc trên người sử dụng ma túy tổng hợp, giúp người bệnh hồi phục tốt hơn, giúp đỡ người bệnh trong quá trình tái hòa nhập xã hội sau khi ra viện.
Tuy nhiên, tại bệnh viện tâm thần Bến Tre chưa có một báo cáo nào đánh giá về trầm cảm ở những người nghiện ma túy tổng hợp. Nghiên cứu này nhằm mục đích xác định tỷ lệ trầm cảm và các yếu tố liên quan trên những người nghiện ma túy tổng hợp tại đây.
II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện tại bệnh viện tâm thần Bến Tre. Sử dụng phương pháp lấy mẫu toàn bộ tất cả những người đang điều trị nội trú tại các khoa điều trị. Sau khi được giải thích rõ ràng về mục tiêu của nghiên cứu và sẵn sàng tham gia nghiên cứu sẽ tự điền bộ câu hỏi phỏng vấn bao gồm các câu về đặc điểm dân số xã hội như tuổi, giới, trình độ học vấn, hôn nhân, nghề nghiệp, công việc tạo thu nhập... Ngoài ra, đối tượng cũng sẽ được đo lường trầm cảm PHQ-9 đã được chuẩn hóa.
2.2. Thang đo PHQ-9
Thang đo PHQ-9 (the 9-question depression scale of PHQ) là một trong những thang đo được phát triển miễn phí nhằm phục vụ cho cộng đồng và đã được nhiều nghiên cứu đánh giá mức độ tin cậy khá cao khi sử dụng để đo lường tỷ lệ trầm cảm(3,4,7,10). Thang đo này khảo sát dựa trên những cảm giác của người trả lời và được tính điểm từ 0 điểm đến 3 điểm tương ứng với số ngày trải qua các sự kiện được hỏi, trong đó 0 điểm tương đương với <1 ngày, 1 điểm tương đương với 1 – 2 ngày, 2 điểm tương đương với 3 – 4 ngày và 3 điểm tương đương với 5 – 7 ngày. Đối tượng được xem là có trầm cảm khi điểm số vượt trên 9 điểm.
2.3. Phương pháp thu thập số liệu và phân tích thống kê
Sau khi được giải thích và hiểu rõ về mục tiêu nghiên cứu, đối tượng đồng ý tham gia nghiên cứu sẽ ký tên vào văn bản đồng ý tham gia, đồng thời đối tượng sẽ trả lời phỏng vấn thông qua bộ câu hỏi tự điền. Tư vấn viên là nhân viên tại bệnh viện đã được tập huấn bởi nghiên cứu viên và nắm bắt rõ ràng về bộ câu hỏi.
Sử dụng tần số và tỷ lệ phần trăm để mô tả cho các biến về đặc điểm dân số xã hội (như nhóm tuổi, giới tính, hôn nhân, học vấn, nghề nghiệp, công việc tạo thu nhập…), . Tình trạng trầm cảm cũng được mô tả bằng tần số và tỷ lệ %.
Kiểm định chi bình phương được dùng để so sánh tỷ lệ trầm cảm theo các đặc điểm dân số xã hội và quá trình điều trị. Kiểm định t dùng để so sánh điểm chất lượng sống từng lĩnh vực và điểm chất lượng sống chung giữa những người có so với không có trầm cảm. Kiểm định được xem là có ý nghĩa khi giá trị p<0,05. Nghiên cứu còn sử dụng số đo tỉ số tỷ lệ hiện mắc PR (Prevalance Ratio) và khoảng tin cậy 95% để đo lường mức độ liên quan.
III. KẾT QUẢ
Nghiên cứu được thực hiện tại Bệnh viện Tâm thần Bến Tre. Tính đến thời điểm nghiên cứu được tiến hành thì Bệnh viện Tâm thần Bến Tre đang điều trị cho 279 người nghiện ma túy tổng hợp. Tổng cộng nghiên cứu thu thập được thông tin của 279 người đang điều trị về nghiện ma túy tổng hợp tại đây.
Bảng 1: Đặc điểm của mẫu nghiên cứu (n = 279)
Untitled

Nhận xét: hầu hết đối tượng tham gia nghiên cứu là nam, nhóm tuổi <35 chiếm tỷ lệ cao hơn so với nhóm ≥35 tuổi, trong đó nhỏ nhất là 18 tuổi và lớn nhất là 44 tuổi. Những người đang sống chung với vợ hay chồng hoặc bạn tình có tỷ lệ xấp xỉ những người không sống chung. Trình độ học vấn tương đối thấp, chỉ có khoảng 33% là có học vấn từ cấp 3 trở lên và có đến 22% là học vấn từ cấp 1 trở xuống. Đối tượng tham gia nghiên cứu là lao động không được đào tạo chiếm tỷ lệ cao nhất (46,3%). Chỉ có khoảng 25% đối tượng không có nguồn thu nhập mà phải lệ thuộc hoàn toàn vào gia đình.
Trong 279 người tham gia nghiên cứu có gần 75% đối tượng đã sử dụng ma túy tổng hợp >5 năm. Có khoảng 14% có người thân trong gia đình nghiện các chất gây nghiện. Khảo sát trầm cảm theo thang đo PHQ-9 thì có 82 người bị trầm cảm, chiếm 29,4%.

Bảng 2: Các yếu tố liên quan đến trầm cảm (n = 279)
Đặc tính Trầm cảm Giá trị p PR
(KTC 95%)
Có n (%) (n=82) Không n (%)(n=197)
Hôn nhân Có vợ/chồng/bạn tình 32 (23,9) 102 (76,1)   1
Độc thân 35 (31,2) 77 (68,8) 0,198 1,31 (0,87 – 1,97)
Ly thân/ly dị/góa 15 (45,5) 18 (54,5) 0,009 1,90 (1,17–3,08)
Trình độ học vấn Trên cấp 3 2 (11,8) 15 (88,2)   1
Cấp 3 23 (30,3) 53 (69,7) 0,170 2,57 (0,67 – 9,90)
Cấp 2 35 (28,2) 89 (71,8) 0,199 2,40 (0,63 – 9,11)
Cấp 1 15 (31,2) 33 (68,8) 0,162 2,66 (0,67 – 10,45)
Biết đọc, biết viết 7 (50,0) 7 (50,0) 0,044 4,25 (1,04 – 17,33)
Nghề nghiệp Lao động tự do 33 (25,6) 96 (74,4)   1
Thất nghiệp 27 (39,1) 42 (60,9) 0,046 1,53 (1,01 – 2,32)
Buôn bán 17 (28,3) 43 (71,7) 0,688 1,11 (0,67 – 1,82)
Khác 5 (23,8) 16 (76,2) 0,864 0,93 (0,41 – 2,11)
Công việc
tạo thu nhập
Không 27 (39,1) 42 (60,9) 0,041 1,49 (1,03 – 2,17)
55 (26,2) 155 (73,8)
Thời gian sử dụng >5 năm 69 (33,2) 139 (66,8) 0,018 1,81 (1,07 – 3,07)
≤5 năm 13 (18,3) 58 (81,7)
Gia đình có người nghiện chất 20 (52,6) 18 (47,4) 0,001 2,04 (1,41 – 2,96)
Không 62 (25,7) 179 (74,3)

Nhận xét: Kết quả nghiên cứu chưa tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ trầm cảm giữa nam so với nữ hay giữa nhóm ≥35 tuổi so với nhóm <35 tuổi. Tuy nhiên, phân tích thống kê cho thấy có mối liên quan giữa trầm cảm với các đặc tính như tình trạng hôn nhân, trình độ học vấn và nguồn thu nhập cá nhân. Theo đó thì những người từng ly thân/ly dị/góa có tỷ lệ trầm cảm bằng 1,90 lần so với những người đang sống chung với vợ/chồng/bạn tình với p = 0,009; những người chỉ biết đọc biết viết có tỷ lệ trầm cảm bằng 4,25 lần so với những người học trên cấp 3 với p = 0,044.
Có mối liên quan giữa trầm cảm với nghề nghiệp và công việc tạo thu nhập. Những người thất nghiệp có tỷ lệ trầm cảm bằng 1,53 lần so với những người lao động tự do với khoảng tin cậy 95% từ 1,01 đến 2,32 và p = 0,046. Và những người không có công việc tạo thu nhập thì có tỷ lệ trầm cảm bằng 1,49 lần so với những người có công việc tạo thu nhập với khoảng tin cậy 95% từ 1,03 đến 2,17 và p = 0,041.
Có mối liên quan giữa thời gian sử dụng, và trong gia đình có thành viên nghiện chất với trầm cảm. Những người có thời gian sử dụng ma túy tổng hợp trên >5 năm có tỷ lệ trầm cảm bằng 1,81 lần so với những người sử dụng ma túy tổng hợp ≤5 năm với p = 0,018. Những người có thành viên trong gia đình nghiện chất tác có tỷ lệ trầm cảm cao hơn 2,04 lần so với những người không sống trong gia đình có người nghiện chất với p = 0,001.
IV. BÀN LUẬN       
Trầm cảm và các đặc điểm dân số xã hội
Tỷ lệ những người đang sống chung với vợ/chồng/bạn tình cũng tương đương với số người không sống chung. Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của các tác giả như Lashkaripour(15), Maremmani(17), Xiao(30) và nghiên cứu của Baharom(2). Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại cho thấy tỷ lệ đã kết hôn khá thấp(8,21,26). Điều này có thể là do đặc điểm văn hóa khác nhau giữa các quốc gia hay văn hóa giữa các vùng, miền. Khi phân tích thêm về sự phân bố của tình trạng hôn nhân theo nhóm nghề nghiệp thì kết quả cho thấy những người độc thân hầu hết đều có nghề nghiệp không ổn định, đa phần là lao động tự do hay thất nghiệp. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy những người đã từng ly thân, ly dị hoặc trong tình trạng góa bụa thì có tỷ lệ trầm cảm bằng 1,90 lần so với những người đang sống chung với vợ/chồng/bạn tình. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Minh Tâm(22), Xiao(31) và Jing(14) cũng có cùng quan điểm với chúng tôi khi cho rằng người nghiện cần được sự hỗ trợ của gia đình sẽ giúp cải thiện sức khỏe của người nghiện và từ đó làm giảm tỷ lệ trầm cảm.
Nghiên cứu của chúng tôi cho kết quả tương tự các y văn trong và ngoài nước về trình độ học vấn của những người đã từng sử dụng ma túy tổng hợp, học vấn của họ hầu như không cao, đa số là học vấn từ cấp 2 trở xuống(18,20,22,23). Điều này rất đáng lo ngại vì học vấn thấp có thể là một rào cản trong việc tìm kiếm việc làm tạo thu nhập cho bản thân. Có lẽ vì vậy mà tỷ lệ trầm cảm ở những người không có thu nhập cao hơn so với những người có nguồn thu nhập cá nhân. Hầu hết người nghiện ma túy tổng hợp thường thiếu những kỹ năng thích hợp trong công việc, kết hợp với sự kỳ thị phân biệt đối xử của xã hội nên những đối tượng này cực kỳ khó khăn trong việc duy trì một việc làm đúng nghĩa, do đó số người thất nghiệp thường chiếm tỷ lệ cao. Điều này gợi lên nhu cầu tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng để giảm bớt sự kỳ thị đối với người nghiện, từ đó giúp cho người nghiện hòa nhập vào xã hội, khẳng định vai trò và ý nghĩa của mình trong cuộc sống.
V. KẾT LUẬN
Đặc điểm về dân số xã hội của những người tham gia nghiên cứu này với những đặc điểm nổi bật như sống độc thân chiếm tỷ lệ cao, học vấn thấp và không có việc làm ổn định. Phân tích thống kê cho thấy những người có các đặc điểm như đã từng ly thân/ly dị/góa, chỉ biết đọc biết viết, không có nguồn thu nhập cá nhân, thời gian sử dụng >5 năm, và có người thân trong gia đình là người nghiện chất thì có tỷ lệ trầm cảm cao hơn so với những người không có các đặc điểm này. Từ những kết quả nêu trên, chúng tôi nghĩ rằng bệnh viện tâm thần Bến Tre cần tư vấn hỗ trợ tâm lý cho những người có khả năng trầm cảm cao, đồng thời đề xuất với các ban ngành đoàn thể tạo điều kiện cho họ tiếp cận các dịch vụ dạy nghề, truyền nghề, tạo việc làm của các cơ sở dạy nghề tư nhân trên địa bàn. Chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tái hòa nhập cộng đồng cho những người nghiện, đào tạo nghề cho họ nhằm tạo việc làm có thu nhập, nâng cao kiến thức của nhóm đối tượng có học vấn thấp và quan tâm nhiều hơn đối với những người đã sử dụng ma túy tổng hợp lâu năm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Beck AT, Ward CH, Mendelson M, Mock J, J E (1961). An inventory for measuring depression. Archives of general psychiatry.4: Pp 71-561.
  2. Blazer DG, Kessler RC, McGonagle KA, SM (1994). The prevalence and distribution of major depression in a national community sample: The national comorbidity sample. American Journal of Psychiatry.151(7): Pp 86-979.
  3. Chi-Wen C, Wang JDW, Grace Y, Hsueh IP, Ching-Lin H (2009). Agreement between the WHOQOL-BREF Chinese and Taiwanese versions in the Elderly. J Formos Med Assoc.108(2): Pp 9-164.
  4. Clarke DM, Minas IH, SG W (1991). The prevalence of psychiatric morbidity in general hospital inpatients. Australian and New Zealand Journal of Psychiatry.25: Pp 9-322.
  5. Cox J L, Chapman G, Murray D, PJ (1996). Validation of the Edinburgh Postnatal Depression Scale(EPDS) in non-postnatal women. J Affect Disord.39: Pp 9-185.
  6. De Maeyer J, Vanderplasschen W, Lammertyn J, van Nieuwenhuizen C, Sabbe B, EB (2011). Current quality of life and its determinants among opiate-dependent individuals five years after starting amphetamine users. Qual Life Res.20: Pp 50-139. doi: 10.1007/s11136-010-9732-3.
  7. Einat P, Shaul S, Yosef N, Adelson M (2007). Depression in amphetamine users: rate and risk factors. J Affect Disord.99(1-3): Pp 20-213.
  8. Hall RCW, G WM (1995). The clinical and financial burden of mood disorders: cost and outcome. Psychosomatics.36: Pp 8-511.
  9. Huỳnh Ngọc Vân Anh, Tô Gia Kiên, Tô Gia Quyền, Nguyễn Hùng Cường, Dũng ĐV (2013). Chất lượng cuộc sống của những người nhiễm HIV đang điều trị ARV tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Trà Vinh. Y học Tp.HCM. 17(1): Tr. 16-208.
  10. Jing G, Joseph TFL, Mingqiang L, Haochu L, Qi G, Xianxiang F (2014). Socio-ecological factors associated with depression, suicidal ideation and suicidal attempt among female injection drug users who are sex workers in China. Drug Alcohol Depend.144: Pp 10-102.
  11. Lashkaripour K, Bakhshani NM, SA S (2012). Quality of life in patients on amphetamine usres: a three-month assessment. J Pak Med Assoc.62(10): Pp 7-1003.
  12. Maguire GP, Juliet DL, Hawton KE, J BJH (1974). Psychiatric morbidity and referral on two general medical wards. British Medical Journal.1: Pp 70-268.
  13. Maremmani I, Pani PP, Pacini M, GP (2007). Substance use and quality of life over 12 months among buprenorphine maintenance-treated and methadone maintenance-treated heroin-addicted patients. Maremmani I1, Pani PP, Pacini M, Perugi G.33(1): Pp 8-91.
  14. Nguyễn Thị Huệ (2010). Tình hình sử dụng cùng lúc nhiều loại chất gây nghiện ở đối tượng tiêm chích ma túy tại Tp.HCM. Y học thực hành.742 + 743: Tr. 51-245.
  15. Padaiga Z, Subata E, GV (2007). Outpatient methadone maintenance treatment program. Quality of life and health of opioid-dependent persons in Lithuania. Medicina (Kaunas).43(3): Pp 41-235.
  16. Vanagas G, Padaiga Z, Subata E (2004). Drug addiction maintenance treatment and quality of life measurements. Medicina (Kaunas).40(9): Pp 41-833.
  17. Wang PW, Wu HC, Yen CN, Yeh YC, Chung KS, Chang HC, et al. (2012). Change in quality of life and its predictors in heroin users receiving methadone maintenance treatment in Taiwan: an 18-month follow-up study. Am J Drug Alcohol Abuse.38(3): Pp 9-213. doi: 10.3109/00952990.2011.649222.
  18. WHO (1948). Preamble to the Constitution of the World Health Organization as adopted by the International Health Conference New York[updated 06/06/201206/06/2012]. Available from: htpp:/www.who.int/about/definition/en/.
  19. WHO (2012). Mental health: Depression [truy cập ngày 8/6/2012]. Available from: http://www.who.int/mental_health/management/depression/definition/en/.
  20. World Health Organization, (Wonca). WOoFD (2008). Primary care for mental health within a pyramid of health care. Integrating mental health into primary care: A global perspective. Singaporep. Pp 15

Tác giả bài viết: Bs. Trần Ngọc Nhân, Bs. Đỗ Duy Đạt

  Ý kiến bạn đọc

Bạn cần trở thành thành viên của nhóm để có thể bình luận bài viết này. Nhấn vào đây để đăng ký làm thành viên nhóm!
Thống kê
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay808
  • Tháng hiện tại12,770
  • Tổng lượt truy cập1,958,476
lich lam viec moi
Thăm dò ý kiến

Bệnh viện tâm thần Bến Tre phục vụ bệnh nhân như thế nào?

Bệnh viện tâm thần Bến Tre
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây